Thứ Bảy, 5/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 6/8/2016 9:3'(GMT+7)

Hội thảo khoa học 100 năm khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội tại phủ Tam Kỳ (1916-2016)

PGS.TS Đinh Quang Hải và các thành viên BTC hội thảo tặng hoa và qùa cho em Lê Thị Thanh Phương Thảo. Ảnh Năng Đông.

PGS.TS Đinh Quang Hải và các thành viên BTC hội thảo tặng hoa và qùa cho em Lê Thị Thanh Phương Thảo. Ảnh Năng Đông.

Đây là một trong những sự kiện nằm trong chương trình kỷ niệm 110 năm thành lập phủ lỵ Tam Kỳ (1906-2016), 10 năm Tam Kỳ lên thành phố (9/2006 - 9/2016), được công nhận là đô thị loại II và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
 
Đồng chí Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam; PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh đồng Chủ trì hội thảo; đồng chí Lê Văn Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các cơ quan ban, ngành của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo các ban ngành của thành phố Tam Kỳ, cùng nhiều nhà khoa học đến từ nhiều địa phương trên cả nước tham gia hội thảo.

Theo báo cáo đề dẫn do PGS.TS Đinh Quang Hải, hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa tại phủ Tam Kỳ diễn ra cách đây tròn 100 năm như bối cảnh khu vực quốc tế và Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng; vai trò, vị trí, tính chất của cuộc khởi nghĩa; vai trò của những yếu nhân quan trọng của cuộc khởi nghĩa như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài … Đồng thời hội thảo góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa - lịch sử cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. 

Với vai trò, vị trí và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa, hội thảo đã nhận được 70 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử trên cả nước, trong đó có nhiều tham luận dựa trên nguồn tài liệu hoàn toàn mới, qua đó góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến cuộc khởi nghĩa tại phủ Tam Kỳ năm 1916. Cụ thể: Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo với sự tham gia của vị vua trẻ tuổi yêu nước - vua Duy Tân. Tháng 2-1916, Đại hội Kỳ bộ Việt Nam Quang Phục Hội Nam Trung Kỳ lần thứ 2 được triệu tập tại Huế để kiểm điểm việc chuẩn bị khởi nghĩa. Đại hội thông qua tờ hịch kêu gọi quốc dân, chương trình kiến quốc và bàn định kế hoạch khởi nghĩa. Đại hội kỳ bộ đã quyết định Quốc hiệu, Quốc kỳ, chính thể, kinh đô và kế hoạch khởi nghĩa. Thời điểm bắt đầu cuộc khởi nghĩa là 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1916.

Công việc chuẩn bị khởi nghĩa tương đối công phu, nhưng khi cuộc khởi nghĩa chưa nổ ra thì kế hoạch khởi nghĩa đã bị bại lộ. Vua Duy Tân và các lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa lần lượt bị bắt. Ở phủ Tam Kỳ, mặc dù không thấy hiệu lệnh khởi nghĩa, nhưng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bảng, dân binh đã nổi dậy vây Tòa đại lý, bắn chết viên quan Pháp, kéo đến phủ đường bắt trói tri phủ Tạ Thúc Xuyên.

Các tham luận trình bày tại hội thảo đều khẳng định phủ Tam Kỳ là trung tâm điểm và là địa bàn duy nhất diễn ra cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội. Còn ở Huế và các tỉnh khác, kế hoạch bị bại lộ nên cuộc khởi nghĩa không nổ ra theo dự báo.

Nhân dịp này, PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tặng hoa và quà cho em Lê Thị Thanh Phương Thảo, học sinh trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An, đạt điểm 10 môn Lịch sử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa qua. Được biết, trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua Phương Thảo đạt tổng điểm 3 môn khối C là 26 (Văn 8, Sử 10, Địa 8) và em là thí sinh duy nhất đạt điểm 10 của 4 cụm thi do Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên chủ trì./.

Lê Năng Đông
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất