Thứ Năm, 28/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 11/12/2010 19:39'(GMT+7)

Hội thảo “ Sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng (EITI)

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 10/12/2010, Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Na-Uy tại Việt Nam tổ chức hội thảo “sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khoai khoáng (EITI)”.

Hội thảo đã được nghe các vụ chức năng của Bộ Công thương báo cáo tổng quan về công nghiệp khai khoáng của Việt Nam, tổng quan ngành dầu khí Việt Nam..; các chuyên gia của Ban thư ký EITI giới thiệu về nội dung của EITI, những khó khăn và bài học kinh nghiệm trong triển khai EITI. Các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng nghe và trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm của một số nước phát triển trong quá trình chuẩn bị và tham gia EITI.

EITI là một liên minh giữa các chính phủ, các công ty, nhóm người trong xã hội cùng các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế cùng chung mục đích nhằm nâng cao công tác quản lý để cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm trong ngành khai thác khoáng sản.

EITI được thành lập từ tháng 10/2002, do cựu thủ tướng Anh Tony Blair công bố tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tại Johanesburg, Nam Phi. Năm 2005, trong phiên họp toàn thể lần thứ hai của EITI tại Luân Đôn, Tập đoàn Tư vấn Quốc tế (IAG) đã đề xuất phương hướng hoạt động và cơ chế quản lý của EITI.

Việc tham gia sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng đang được coi là một lựa chọn nhằm góp phần quản lý hiệu quả các nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên. Tính đến tháng 6/2010, sáng kiến này đang được thực thi rộng rãi ở 31 nước trên thế giới. Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G8và G20 năm 2010 vừa qua đều ghi nhận ủng hộ các quốc gia trên thế giới tham gia tự nguyện và thúc đẩy thực thi tốt sáng kiến EITI.

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, đa dạng, với trên 5.000 mỏ và điểm khoáng sản của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau, trong đó, có nhiều loại có trữ lượng tài nguyên được dự báo có trữ lượng lớn hay có giá trị cao hơn như bô - xít, than, ti tan…Nước ta cũng là nước giàu trung bình về tài nguyên khoáng sản như: khoáng sản kim loại đen, kim loại màu và quý hiếm; khoáng sản năng lượng, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng, gốm thủy tinh…

 

Việt Nam đã và đang tăng cường khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng góp tới 9,76% GDP trong năm 2007 và 12% trong năm 2009. Đóng góp của ngành khoáng sản vào GDP quốc gia được cho là tiếp tục tăng vào những năm tới do các hoạt động khoáng ngày càng mở rộng.

 Tuy nhiên, khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo, nếu khai thác không có quy hoạch sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng và phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản với công nghệ hiện đại, ít hoặc không phế thải, thân thiện môi trường nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng, đồng thời cần nghiên cứu và cân nhắc khả năng tham gia và thực thi sáng kiến EITI.

Hội thảo này là cơ hội để các chuyên gia, các tổ chức quốc tế trao đổi và sau hội thảo sẽ tiếp tục có các hỗ trợ cần thiết cho các cơ quan của chính phủ cũng như những đơn vị liên quan của Việt Nam đạt kết quả tốt trong việc tiếp cận và thực hiện sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam.


12 nguyên tắc của EITI

1. Sử dụng khôn khéo nguồn tài nguyên giàu có là công cụ quan trọng để phát triển kinh tế bền vững, giảm nghèo đói tiến tới phát triển bền vững xã hội. Việc sử dụng không hợp lý sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực cho nền kinh tế và toàn xã hội.

2. Mục đích của việc quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản là vì lợi ích của công dân, nhằm phục vụ cho sự phát triển của quốc gia có tài nguyên.

3. Lợi nhuận từ hoạt động khai thác tài nguyên là nguồn thu nhập trong nhiều năm và phụ thuộc vào sự biến động giá cả.

4. Sự hiểu biết của người dân đối với nguồn thu của chính phủ từ ngành công nghệp khai khoáng có thể giúp cho người dân cân nhắc và đưa ra sự lựa chọn thích hợp và thực tế hơn cho sự phát triển bền vững.

5. Tăng cường tính minh bạch trong khai thác khoáng sản của các chính phủ và các công ty và tăng cường trách nhiệm giải trình và quản lý tài chính cho công chúng

6. Kết quả của tính minh bạch được đặt trong bối cảnh là phải tuân theo pháp luật và các điều khoản hợp đồng.

7. Minh bạch tài chính có thể tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

8. Nguyên tắc này đảm bảo trách nhiệm giải trình tài chính của Chính phủ với toàn thể công chúng về việc quản lý nguồn thu chi từ hoạt động cho khai thác tài nguyên.

9. Khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm giải trình tài chính trong đời sống cộng đồng, hoạt dộng chính phủ và các doanh nghiệp

10. Có phương pháp phù hợp và khả thi để đảm bảo tính minh bạch nguồn thu của chính phủ và phí khai thác của các công ty trong họat động khai thác khoáng sản.

11. Tất cả các công ty khai thác ở quốc gia tham gia EITI bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm giải trình minh bạch.

12. Các thành phần có liên quan bao gồm chính phủ và các cơ quan của chính phủ, các công ty khai thác khoáng sản, các công ty dịch vụ, các tổ chức đa năng, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ đều phải có sự đóng góp quan trọng và thích đáng trong việc tìm kiếm giải pháp.


Lê Ngân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất