Thứ Năm, 3/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 4/10/2010 21:42'(GMT+7)

Hội thảo “Tố Hữu – Thân thế và sự nghiệp” kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu

Đ/c Tô Huy Rứa phát biểu khai mạc Hội thảo

Đ/c Tô Huy Rứa phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự hội thảo còn có bà Vũ Thị Thanh, vợ nhà thơ Tố Hữu và đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu văn học uy tín trong cả nước và những người yêu thơ Tố Hữu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa khẳng định: “Trong nhiều năm, Tố Hữu là người được Đảng phân công trực tiếp làm công tác Tuyên huấn, làm Tư lệnh của một Binh chủng tinh nhuệ đặc biệt, mà mỗi một hoạt động, từ tuyên truyền cổ động đến mỗi bài viết, bài hát, bài thơ hay đều có sức mạnh như những vũ khí, như những sư đoàn…

Được Đảng phát hiện tài năng và giao trọng trách đó, Tố Hữu đã say sưa, tâm huyết… cùng đồng chí, đồng đội làm việc tận tụy ngày đêm trong một lĩnh vực tưởng như vô hình mà lại vô cùng hữu ích. Ông đã góp phần trực tiếp cùng nhiều đồng chí của mình xây dựng nên một lực lượng hùng hậu, làm công tác tư tưởng, công tác văn hoá của Đảng, góp phần biến ý chí, đường lối, chủ trương của Đảng thành năng lượng khổng lồ, tạo nên một sức mạnh vĩ đại của toàn dân, toàn quân.

Toàn cảnh hội thảo


...Trong quá trình xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng, văn hoá, Tố Hữu đã trực tiếp góp phần động viên, tập hợp, tổ chức và phát triển cả một binh đoàn văn nghệ từ Bắc vào Nam, những tài năng của nhân dân, những chiến sĩ trung kiên trên mặt trận văn hoá - văn nghệ. Qua hơn 30 năm, họ đã làm nên một nền văn hóa - văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh bất tử và các giá trị của nó còn phát huy tác dụng đến hôm nay và mãi mãi về sau. Công lao tạo dựng, đi đầu… làm cánh chim đầu đàn không mỏi ấy thuộc về Tố Hữu.

Là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, là nhà thơ lớn, tài năng của dân tộc, mỗi tập thơ của Tố Hữu đều đánh dấu một bước phát triển của thơ ca Việt Nam từ giữa những năm 30 đến cuối thế kỷ XX vừa qua. Trong tất cả sự phong phú, đa dạng trong sáng tạo thơ ca của Tố Hữu, chúng ta đều tìm thấy sự gặp gỡ đẹp đẽ giữa thơ với đất nước, thơ với cách mạng và Đảng, thơ với nhân dân, đúng như tâm sự của ông “Suốt đời tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: Trăm năm duyên kiếp ĐẢNG VÀ THƠ”


Bà Vũ Thị Thanh, vợ nhà thơ Tố Hữu (Thứ 2 từ trái qua)


Tại hội thảo, những người yêu thơ Tố Hữu được nghe nhiều ý kiến, tham luận về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Tố Hữu.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn nhận định, thơ của Tố Hữu có khả năng bao quát những sự kiện lớn của đất nước. Đặc biệt, thơ Tố Hữu đã đồng hành và ghi lại thật đẹp và dồi dào cảm xúc từng chặng đường quan trọng của cách mạng Việt Nam thế kỷ XX. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã so sánh Tố Hữu như Lỗ Tấn trong văn học Trung Quốc với một vị trí không ai thay thế được. Ông đã khẳng định: "Có sự thống nhất biện chứng giữa thân thế và sự nghiệp của Tố Hữu. Ở Tố Hữu tập trung tinh hoa, là một nhân cách văn hóa của dân tộc. Tố Hữu đã được ghi nhận với hai phương diện vừa là nhà cách mạng tiêu biểu, vừa là nhà thơ lớn. Một đời người chỉ cần làm một trong hai công việc đó đã đáng kính phục vô cùng. Thế mà Tố Hữu đã làm tốt cả hai.”

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tham luận tại Hội thảo


Tại hội thảo các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng Tố Hữu là thi nhân có phong cách độc đáo; đã một thời gian dài và mãi mãi về sau, thơ ông thành món ăn tinh thần của đông đảo người Việt Nam.

Tám mươi hai năm Tố Hữu đã sống là cuộc đời của một chiến sỹ cách mạng sớm dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và của một Nhà thơ lớn với những vần thơ làm rung động nhiều thế hệ. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Tố Hữu, Đảng và Chính phủ đã trao tặng ông Huân chương Sao Vàng vào năm 1994, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 1996 và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng vào năm 1997 và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những tập thể tiêu biểu của nhà thơ Tố Hữu:

Từ ấy (1937-1946)

Việt Bắc (1946-1954)

Gió lộng (1955-1961)

Ra trận (1962-1971)

Máu và hoa (1972 – 1977)

Một tiếng đờn (1979-1992)

Ta với ta (1993-2002)


Cũng trong dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, gia đình nhà thơ Tố Hữu mở cửa Nhà lưu niệm Tố Hữu tại nhà D9 - Làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, HN để tiếp đón người yêu thơ Tố Hữu từ 9 – 11h sáng thứ 7 hàng tuần.

Nam Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất