Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 3/12/2010 9:50'(GMT+7)

Hội thảo tổng kết 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng công cuộc “Tiến công vào ĐTM” là sáng suốt, hoàn toàn đúng đắn và đã thành công, tạo được một sự chuyển biến vượt bậc, như một cuộc cách mạng mà bao đời nay chưa làm được. Theo báo cáo, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đồng Tháp Mười vẫn còn là một vùng hoang hóa rộng lớn, điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Đây là vùng đất bị nhiễm phèn nặng mà theo các chuyên gia Liên Xô sau khi lấy mẫu phân tích đã kết luận “Đất này không thể trồng lúa được”. Tuy nhiên, với chủ trương tiến công khai phá vùng đất trũng phèn này của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang quyết tâm thực hiện. Giải pháp được áp dụng là đào kênh dẫn nước ngọt vào sâu trong nội đồng nhằm ém phèn để trồng lúa. Nhân dân các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười đào mới hàng ngàn km kênh làm thuỷ lợi. Nhờ đó, nước ngọt đã vào sâu trong nội đồng giúp cho cây lúa phát triển tốt, sản lượng tăng lên qua từng vụ. Sau 10 năm thực hiện, nông dân đã có sản lượng lúa dư thừa để xuất khẩu.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: việc chinh phục thành công Đồng Tháp Mười đã giúp tỉnh và Trung ương giải quyết được bài toán thiếu lương thực, không những đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh, cho cả nước mà còn có lượng lúa hàng hóa lớn để xuất khẩu. Bên cạnh đó, đã làm biến đổi trình độ, tư duy, tập quán của người dân trong vùng; trình độ dân trí được nâng lên, tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đời sống. Từ đó, xóa được đói, giảm được nghèo cho người dân trong vùng. Sau 30 năm chinh phục, khai thác, từ một vùng đất chua phèn nặng, hoang hoá lâu đời, dân cư thưa thớt, nghèo nàn, Đồng Tháp Mười đã trở thành một trong những vùng đất phì nhiêu và giàu có của đất nước.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường đại học An Giang khẳng định: Thành công trong cuộc tiến công, khai phá Đồng Tháp Mười là sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân. Nhà quản lý biết lắng nghe và vận dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật; nhà khoa học học từ nông dân những kinh nghiệm thực tiễn về cách ém phèn; nhà nông vận dụng ngay những công trình khoa học vào đồng ruộng.

Tuy có bước phát triển vượt bậc sau 30 năm khai phá nhưng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở Đồng Tháp Mười đã nảy sinh những khó khăn. Theo Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì hiện nay toàn vùng đang chịu một thách thức kép trước sự biến đổi của khí hậu, trong đó có nguồn nước đến từ thượng nguồn và mực nước biển dâng. Việc nguồn nước từ thượng nguồn sông Mêkông ngăn sông làm hồ, đập thủy điện, rừng phòng hộ bị tàn phá; nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô và nước mặn xâm nhập sâu vẫn đang đe dọa Đồng Tháp Mười.

Tổng kết 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học đánh giá lại những thành công, cũng như những thiếu sót, hạn chế, các bài học kinh nghiệm, làm cơ sở cho việc hình thành các chủ trương, chính sách phát triển vùng Đồng Tháp Mười trong thời gian tới./.

Viết Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất