Từ vài tháng nay, trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc, xuất hiện loại tiền vàng mã in gần giống các loại tiền Việt Nam và một số nước đang lưu hành. Nếu không quan sát kỹ sẽ rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Hiện tượng dùng loại tiền vàng mã này để lừa đảo cũng đã xảy ra, gây sự chú ý của người dân và công luận. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo nhằm tìm kiếm giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động in vàng mã trên địa bàn.
Loại vàng mã polymer mới xuất hiện trên thị trường được in sắc nét với họa tiết và kích cỡ tương tự như tiền polymer thật có mệnh giá tương ứng. Theo các cơ quan chức năng, chưa có cơ sở sản xuất nào được cấp giấy xác nhận đăng ký in loại vàng mã polymer này. Nhưng với các cơ sở vi phạm, lực lượng chức năng chỉ có thể nhắc nhắc nhở chứ không thể xử phạt.
Ông Dương Kỳ Lân, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho biết: “Khó khăn cho chúng tôi trong việc quản lý địa bàn là Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có văn bản quy định hướng dẫn về việc quản lý lĩnh vực này. Vì vậy, công tác quản lý in vàng mã trên địa bàn Hà Nội đang gặp những khó khăn do thiếu cơ chế hành lang pháp lý, đồng thời cũng chưa có quy định về chế tài xử phạt hành vi vi phạm”.
Nghị định 56/2006 chỉ quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm khi in, nhân bản xuất bản phẩm. Trong khi đó, vàng mã lại không nằm trong khái niệm xuất bản phẩm, khiến lực lượng chức năng không có cơ sở pháp lý để xử phạt đối với hành vi vi phạm. Có nhiều ý kiến đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn cụ thể việc đăng ký và xác nhận đăng ký các loại vàng mã được in.
Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản – Thông tin và Truyền thông nói: “Chúng ta không thể đòi hỏi một văn bản cho phép, cũng như trong đề dẫn hội thảo nói rằng, cần phải hay nên chăng quy định một số mẫu vàng mã thống nhất được in trong cả nước. Nếu theo hướng này, chúng ta sẽ bị vấp phải phản ứng của xã hội. Mà nên hướng dẫn người ta những điều gì không nên in, không nên dung. Chúng ta không nên áp đặt một số mẫu có sẵn do nhà nước quy định”.
Nghị định 105/2007 quy định: “Cơ sở in tham gia in sản phẩm là vàng mã, phải đăng ký loại vàng mã dự định in với Sở Văn hóa – Thông tin sở tại (nay là Sở Thông tin và Truyền thông). Nhưng do thiếu cơ sở pháp lý nên cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương chưa triển khai thực hiện cấp giấy xác nhận đăng ký in vàng mã và cũng không thể kiểm soát hiệu quả hoạt động này.
Ông Nguyễn Kiểm cho biết thêm: “Các văn bản quy phạm pháp luật phải được tăng cường cụ thể hơn, chi tiết hơn để những người thực thi công vụ các Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ vào đó để xác định các loại vàng mã được in nó tương đối chính xác, nó tôn trọng đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, nhưng lại có tính định hướng cao.
Tục đốt vàng mã đã có từ lâu đời và đã trở thành một phong tục trong tín ngưỡng của người Việt Nam. Vì vậy, những quy định này phải cụ thể, rõ ràng để có thể áp dụng được trong thực tiễn quản lý, nhưng cũng phải có tính bao quát, có nội hàm rộng để có thể điều chỉnh được những vấn đề phát sinh với mục tiêu hướng hoạt động tín ngưỡng tới một đời sống tâm linh gắn với hiện đại nhưng lại tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc./.
(Theo VTV)