Từ ngày 24-29.3, tại Công viên 29/3 Đà Nẵng sẽ diễn ra Festival “Làng nghề Việt” với sự tham gia của hơn 60 làng nghề tiêu biểu đại diện cho 3 miền Bắc – Trung – Nam. Festival diễn ra đúng vào dịp diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế-DIFC 2009.
Không gian “Làng nghề Việt” sẽ được chia thành nhiều khu vực khác nhau. Khu làng nghề với sự góp mặt của các làng nghề truyền thống của Đà Nẵng như đá mỹ nghệ Non Nước, chiếu Cẩm Nê, nghề đan lưới Thọ Quang. Những sản phẩm nổi tiếng đến từ các làng nghề trong nước như như gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Bàu Trúc..., đồ đồng Phước Kiều, Phú Xuân..., sơn mài Thạch Thất, Thủ Dầu Một, mộc Đồng Kỵ, Kim Bồng, Tiên Sơn..., lụa Vạn Phúc, Mã Châu..., mây tre Hà Nam, Trà Vinh..., thổ cẩm Tây Bắc, Đông Giang..., tranh Đông Hồ, Làng Sình, nón Làng Chuông, Huế, Gò Găng..., cũng sẽ trưng bày tại khu vực này.
Ở khu làng ẩm thực là nơi để du khách thưởng thức những món ngon nổi tiếng của những vùng miền từ Bắc đến Nam như bánh khô mè Cẩm Lệ, nước mắm Nam Ô; rượu Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen, mè xửng Huế, bánh tráng dừa Bình Định, kẹo dừa Bến Tre, bánh phồng tôm Sa Đéc, nước mắm Nha Trang, Phú Quốc,... Các món ăn đặc sản của miền Trung như bánh tráng thịt heo Khuê Trung, mì Quảng, cơm gà Tam Kỳ, bún bò Huế sẽ có dịp “thi tài” cùng những món ngon của miền Bắc và miền Nam như phở Nam Định, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh xèo Bà Xiềm, cá lóc nướng trui Sài Gòn...
Một không gian thuần Việt tái hiện lại những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam sẽ được tổ chức ở khu vực “không gian quê nhà”. Ở đấy, du khách sẽ được sống trong không gian của làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình; hay tận hưởng vẻ đẹp phóng khoáng của chợ nổi Nam Bộ. sâu lắng với những làng chài Trung Bộ. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ giới thiệu đến du khách chương trình nghệ thuật múa rối nước. Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến màn trình diễn của các nghệ nhân làng nghề như nặn - vuốt gốm, chạm khắc gỗ, tạc tượng đá, đúc đồng, nặn tò he, tượng bột, thêu, ren, đan lát, dệt lụa, làm bánh, in - vẽ tranh dân gian, viết thư pháp, ký hoạ...
Trong khu văn nghệ, du khách sẽ được thưởng thức những màn biểu diễn chèo, hát bội, cải lương của gánh hát sân đình; những làn điệu quan họ Bắc Ninh, ca Huế, hò xứ Quảng, dân ca Nam Bộ... Tại đây cũng sẽ diễn ra các hội thi Lân – Sư - Rồng giữa TP.HCM - Huế - Đà Nẵng, hội thi thả diều.
Đặc biệt, trong khuôn khổ festival này sẽ diễn ra cuộc hội thảo “Mỗi làng một nghề” giai đoạn 2006 – 2015. Trong đó tập trung làm rõ những điều kiện và tính khả thi của việc phát triển các làng nghề mới; phát triển làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn... Dự kiến, festival “Làng nghề Việt” sẽ được xây dựng hoàn chỉnh để tổ chức định kỳ 2 năm/lần./.
(Theo: Văn hoá)