Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; thường trực huyện ủy, ủy ban nhân dân, ban tuyên giáo huyện ủy, thành ủy; đại diện cấp ủy, ban giám hiệu, ban chấp hành Công đoàn, bí thư Đoàn trường, giáo viên bộ môn Ngữ Văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, giáo viên chủ nhiệm lớp một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Từ kết quả tổng hợp, phân tích số liệu điều tra, khảo sát cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh; báo cáo kết quả công tác giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo và 38 trường trung học phổ thông; báo cáo của các sở, ngành liên quan; các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều thống nhất: Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiện nay có nhiều tiến bộ; sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong toàn bộ hệ thống chính trị được tăng cường; việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để chung tay giáo dục học sinh có lối sống lành mạnh đã được quan tâm đúng mức. Điều đó càng được khẳng định hơn khi hầu hết các tham luận đều khẳng định: đa số học sinh trung học phổ thông có nhận thức đúng đắn về các chuẩn mực đạo đức, lối sống, có tinh thần yêu quê hương đất nước, tin tưởng, chấp hành đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật của nhà nước; có mục tiêu sống, có lý tưởng phấn đấu rõ ràng với động cơ học tập nghiêm túc; kính trọng thầy cô giáo và ông bà, cha mẹ; sống lành mạnh, không sa vào các tệ nạn xã hội; tích cực tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khóa trong nhà trường, có ý thức tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương; biết chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn...
Đa số các ý kiến cũng đều thống nhất bên cạnh những biểu hiện tích cực vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh trung học phổ thông có ý thức phấn đấu chưa cao, chưa xác định được mục tiêu, lí tưởng; có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật; không quan tâm đến cộng đồng, người xung quanh, ít tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội và cộng đồng; sống khép mình, đề cao chủ nghĩa cá nhân, xa rời tập thể, sống thực dụng, ích kỉ, thích hưởng thụ, đua đòi, xa hoa lãng phí, xem nhẹ giá trị tinh thần…Nhiều học sinh, phụ huynh học sinh còn coi nhẹ các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, các bộ môn xã hội, nhất là các môn Sử, Giáo dục công dân-đây là những môn, những hoạt động trực tiếp tác động đến quá trình hình thành ý thức, đạo đức, lối sống văn hóa, lành mạnh cho học sinh. Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính bản thân học sinh chưa chịu tu dưỡng, rèn luyện; sự buông lỏng quản lý, nuông chiều quá mức và thiếu gương mẫu của một số gia đình; những tác động mặt trái của kinh tế - văn hoá - xã hội ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành nhân cách học sinh. Công tác quản lý học sinh chưa tốt, nội quy, kỷ luật nhà trường chưa nghiêm, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, chương trình giáo dục chưa phù hợp... là những điểm yếu hiện nay trong công tác giáo dục đạo đức.
Phát biểu Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu, đặc biệt là những trăn trở của một số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trước thực trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay. Đồng chí nhấn mạnh: nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trung học phổ thông nói riêng, cho học sinh, sinh viên nói chung trong thời gian tới là một vấn đề cấp thiết nhằm tạo ra một thế hệ mới của đất nước vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước. Kết quả của việc tổ chức Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phục vụ cho quá trình nghiên cứu, hoàn thiện Đề tài mà còn là những luận cứ khoa học có ý nghĩa định hướng giúp cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đối với nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo; giúp Ngành Giáo dục và Đào tạo xác định đúng, trúng nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới của tỉnh, của đất nước.
Đồng chí đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài căn cứ những ý kiến đóng góp tại Hội thảo tiếp tục phối hợp với các ban, sở, ngành, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất các nhóm giải pháp phù hợp, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong các nhà trường phổ thông. Trước mắt, đồng chí đề nghị các đơn vị cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục quán triệt sâu sắc; cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ; tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, nhà trường, gia đình và xã hội; các ban, ngành, đoàn thể cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh.
Thứ ba, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, giáo viên và học sinh; đặc biệt chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp cũng như trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách sư phạm của đội ngũ nhà giáo. Các nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc thi do ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thứ tư, cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh các hoạt động giám sát, thanh, kiểm tra công tác giáo dục đạo đức, lối sống ở các trường trung học phổ thông, coi đây là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu giáo dục trong nhà trường./.
Hữu Chất