Theo thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có trên 320 nghìn trẻ em, chiếm 28% dân số. Với lợi thế cấu dân số trẻ, Hưng Yên sẽ có nguồn lao động bổ sung dồi dào trong tương lai. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra trước mắt cho cấp uỷ, chính quyền các cấp chính là phải thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Với quan điểm đầu tư cho trẻ em hôm nay là phát triển đất nước bền vững trong tương lai, trẻ em hôm nay là những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, ngay từ tái lập tỉnh, nhất là khi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ban hành, Tỉnh uỷ Hưng Yên đã tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, gia đình và nhân dân đã đồng loạt triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ chủ nhân tương lai của đất nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế ở địa phương, đơn vị. Nhờ đó, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có những chuyển biến quan trọng cả về chất và lượng, từng bước tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và quyền cơ bản của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em có cơ hội được phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, sức khoẻ, thẩm mỹ.
Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt và vượt nhiều mục tiêu. Hằng năm, UBND tỉnh Hưng Yên đều bố trí kinh phí cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, triển khai Chương trình ngăn ngừa và hỗ trợ cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qũy Bảo trợ trẻ em được xây dựng và phát triển ở cấp tỉnh và 100% số huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Trong 10 năm qua, số thu Qũy đạt trên 22 tỷ đồng, riêng 2013 đạt 4 tỷ đồng. Đến nay, có 120/161 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “Xã, phường phù hợp với trẻ em”. Đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả ban bảo vệ trẻ em cấp xã và mạng lưới cộng tác viên. Công tác chăm sóc sức khỏe của trẻ em được gia đình và xã hội đặc biệt quan tâm. Chương trình tiêm chủng mở rộng và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em được thực hiện tốt...
Năm 2012, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 14,4% (năm 2001 là 34,1%). Có 99,1% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Quyền học tập của trẻ em được đảm bảo. Mạng lưới các trường mần non, trường phổ thông với nhiều loại hình đào tạo rải đều khắp trên địa bàn tỉnh, thuận tiên và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Số trẻ em 6 tuổi đến trường đạt 100%; duy trì phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng bậc mầm non đạt 72,46%, tiểu học 89%; trung học cơ sở 91,44%, trung học phổ thông 89,1%. Tỉnh hiện có 2 trường phục hồi chức năng, mỗi năm dạy chữ, dạy nghề cho khoảng 300 lượt trẻ khuyết tật. Hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em ngày càng được chú ý. Nhiều sân chơi bổ ích, lý thú được tổ chức cho trẻ em như các hội thi, hội diễn, hoạt động hè, Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu... được các hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, nhà trường, địa phương tổ chức định kỳ hằng năm. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 01 sân vận động cấp tỉnh; 03 bể bơi, 5/10 huyện có điểm vui chơi cấp huyện; 129/161 xã có điểm vui chơi, nếu tính cả những điểm quy hoạch thì tổng số là 159/161 điểm. Các hoạt động đảm bảo quyền tham gia của trẻ em được tăng cường thông qua một số hoạt động có hiệu quả như: diễn đàn trẻ em các cấp; hội nghị đối thoại giữa trẻ em và đại biểu hội đồng nhân dân; cuộc thi viết về quyền trẻ em...
Tuy nhiên, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế: mục tiêu về xây dựng điểm vui chơi, giải trí của trẻ chưa đạt yêu cầu; còn tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bỏ học, số vụ tai nạn thương tích trẻ em giảm chậm; kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong các gia đình và tổ chức xã hội còn hạn chế; dịch vụ công về lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn thiếu; môi trường tự nhiên và xã hội còn ẩn nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến cuộc sống của trẻ em...
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới theo đúng tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị, trên cơ sở kế thừa, phát triển những thành tựu đã đạt được và những mặt hạn chế cần khắc phục, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hưng Yên đã ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU, xác định mục tiêu cần thực hiện trong thời gian tới là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền trẻ em. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em đều được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ một cách bình đẳng. Tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ trẻ em và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em; từng bước giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tỉnh uỷ yêu cầu cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp cần nỗ lực tập trung triển khai một số nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp uỷ đảng, chính quyền thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, kết hoạch về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở địa phương, cơ sở; đưa mục tiêu, nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm. Chú trọng việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí, thể dục, thể thao cho trẻ em ở thôn, khu phố, xã, phường, thị trấn. Các cấp, các ngành liên quan trực tiếp phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Quan tâm phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cho gia đình và toàn xã hội. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em. Tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; phát hiện, ngăn chặn, lên án kịp thời các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em. Thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ em ở trường học và cơ sở, nhất là trong dịp hè, trong Tháng hành động vì trẻ em hằng năm.
Thứ ba, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy và chú trọng nâng cao trách nhiệm, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên các cấp làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là ở thôn, làng, khu phố. Từng bước nâng mức kinh phí đầu tư cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nhất là cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Với kết quả đạt được trên tất cả các mặt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và những nhóm giải pháp đã, đang và sẽ được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tích cực triển khai, trẻ em Hưng Yên tiếp tục có điều kiện phát triển toàn diện về đạo đức, thể chất, tinh thần, trí tuệ, thẩm mỹ, trong tương lai không xa sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: Trần Chất