Thứ Tư, 2/10/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Ba, 10/12/2013 13:45'(GMT+7)

Cần thực hiện tốt hơn Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sáng 10/12, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lai động-thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đến dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cùng đại diện các tỉnh, thành phố, đại biểu của các bộ, ngành, đoàn thể trong nước và các tổ chức quốc tế về dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội  nói: Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Năm 1991, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) được sửa đổi vào năm 2004 (Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15/6/2004).

Luật BVCSGDTE đã thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm mục đích tạo ra môi trường pháp lý, đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Các nội dung và nguyên tắc của Luật đã đi vào đời sống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hôị đối với việc BVCSGDTE. Luật BVCSGDTE năm 2004 đã quy định được những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất về quyền trẻ em theo quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em; quy định bổn phận của trẻ em và những việc trẻ em không được làm; quy định các hành vi nghiêm cấm và không được làm vì nó không bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; quy định về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và bảo đảm thực hiện 10 nhóm quyền của trẻ em đối với gia đình, người chăm sóc, chính quyền địa phương cơ sở và của các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan. Luật cũng dành một chương riêng quy định về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc hình thành cơ chế, chính sách trợ giúp nhóm trẻ em này, tạo cơ hội cho các em hòa nhập cộng đồng và phát triển.

Nội dung của Hội thảo nhằm:

(1) - Đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Luật BVCSGDTE trong 9 năm qua; tình hình ban hành và thực hiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; kiểm tra, giám sát và sự phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương trong việc thi hành Luật;

(2) - Làm rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân cụ thể, rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện công tác BVCSGDTE của bộ, ngành và địa phương;

(3) - Tổng kết, đánh giá, đề ra các biện pháp để tiếp tục thực hiện công tác nâng cao nhận thức, chỉ đạo và thực hiện Luật; thực hiện tốt hơn các mục tiêu của Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020, Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015;

(4)-  Đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật BVCSGDTE năm 2004, thảo luận các vấn đề cần kiến nghị, sửa đổi, bổ sung của Luật và cơ chế, chính sách để thực hiện tốt Luật này.

Tại Hội thảo, đồng chí Doãn Mậu Diệp khẳng định vai trò của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNICEF đã đóng góp một phần quan trọng cả về tinh thần và vật chất cho việc triển khai và thực hiện hiệu quả Luật BVCSGDTE và các chính sách về BVCSGDTE, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho trẻ em, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện./.


Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thể hiện 4 nguyên tắc cơ bản:

- Không phân biệt đối xử;

- Lợi ích tốt nhất cho trẻ em;

- Tôn trọng Quyền trẻ em;

- Nâng cao trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, nhà nước và xã hội (xã hội ở đây bao hồm các cá nhân, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, các tổ chức sự nghiệp).


Duy Hưng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất