Thứ Tư, 2/10/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Năm, 5/12/2013 20:37'(GMT+7)

Phòng ngừa và xoá bỏ các hình thức lao động tồi tệ nhất đối với trẻ em

Đồng chí Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục BVTE, phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục BVTE, phát biểu tại Hội thảo

Ngày 5/12, Hội thảo "Tham vấn xây dựng chương trình phòng ngừa và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất 2015-2020" do Cục Bảo vệ Trẻ em (BVTE), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, đồng chí Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục BVTE cho biết: Theo báo cáo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), số lao động trẻ em (LĐTE) toàn cầu giảm l/3 so với năm 2000, từ 246 triệu xuống còn 168 triệu. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa đủ để đạt được mục tiêu xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất vào năm 2016. Hơn một nửa trong tổng số 168 triệu LĐTE toàn cầu tham gia làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trực tiếp nguy hại đến sức khỏe, sự an toàn và phát triển đạo đức của trẻ. Số trẻ em hiện nay làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là 85 triệu, giảm từ 171 triệu, vào năm 2000.

Cũng theo báo cáo đánh giá tiến bộ đối với công tác xóa bỏ LĐTE của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thế giới có tổng số 85 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 - 17 đang phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong đó số trẻ em trong độ tuổi 5 - 14 là 38 triệu. Số trẻ em phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chiếm hơn một nửa (51%) số LĐTE trong độ tuổi 5 - 17 và khoảng 1/3 (31%) số LĐTE trong độ tuổi 5 - 14 tuổi. Tỷ lệ trẻ em làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao nhất là khu vực châu Phi (10%). Tỷ lệ này ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 4%. Nếu tính trên tổng số 85 triệu trẻ em từ 5 - 17 tuổi đang lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì số trẻ em trai chiếm khoảng hai phần ba. Tuy nhiên tỷ lệ này không giống nhau giữa các độ tuổi. Ở độ tuổi 15 - 17, số lượng trẻ em trai chiếm khoảng 81% nhóm trẻ em đang phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhưng ở độ tuổi thấp hơn thì trẻ em gái lại nhiều hơn.

Về thực trạng LĐTE tại Việt Nam, đồng chí Đặng Hoa Nam cho biết: Khu vực ngành nghề thường sử dụng LĐTE tham gia công việc liên quan tới sản xuất nông nghiệp là 83%, chỉ 9% làm việc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và 8% trong ngành dịch vụ. Trẻ em ở khu vực nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn tham gia và các hoạt động kinh tế nhiều hơn so với các khu vực khác. Cụ thể khu vực Tây Bắc bộ (nghèo nhất nước) có tỷ lệ LĐTE cao nhất, chiếm gần 1/3 tổng số LĐTE trên cả nước, tiếp theo là khu vực Đông Bắc bộ (23,6%), và Duyên hải Bắc Trung bộ (20,9%).

LĐTE chủ yếu xảy ra tại khu vực kinh tế phi chính thức. Cũng theo nghiên cứu về tình hình trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế (TETGHĐKT) do Viện Khoa học Lao động Xã hội thực hiện năm 2009 thì tại các địa bàn nghiên cứu, trẻ em đều làm việc trong khu vực phi chính thức như tại hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhỏ, làm thuê trong khu vực nông, lâm ngư nghiệp. Đặc điểm của những hoạt động kinh tế này là thường gắn liền với ngành nghề sản xuất truyền thống và tự nhiên sẵn có ở đia địa phương.

Theo điều tra thông tin ban đầu tại 5 tỉnh, thành phố tham gia Chương trình Quốc tế về xóa bỏ LĐTE cho thấy: Trẻ em làm những công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm tại các làng nghề thủ công (làm mộc, điêu khắc đá, dệt chiếu, chế biến thực phẩm), bị ảnh hưởng bởi môi trường làm việc độc hại, bởi công việc nặng nhọc và nguy hiểm. Bên cạnh đó, cũng có trẻ em làm những công việc có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị buôn bán hoặc bóc lột sức lao động như trong lĩnh vực hướng dẫn du lịch, chèo đò, bán hàng rong, phục vụ nhà hàng, khách sạn và trẻ em làm những công việc về bản chất có mang tính bóc lột sức lao động như đào vàng, thu nhặt lâm sản, đánh cá, v.v.. 

Nhìn chung, số lượng trẻ em giúp việc gia đình ở Việt Nam trong thời gian qua tăng liên tục với tốc độ nhanh. Cụ thể, năm 2001 chỉ có khoảng 1.820 em làm công việc giúp việc gia đình, đến năm 2008 đã tăng lên 3.l 50 em và năng 2009 là 3.997 em. Các em bỏ học tập trung nhiều ở độ tuổi 10-11 tuổi (sau khi học xong tiểu học) và ở độ tuổi 14-15 (sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở). 

 
 Trẻ em đang bị sử dụng sức lao động trái pháp luật - Ảnh: Phapluatvn.

Các địa biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng: Khi trẻ em lao động thì dù ở lĩnh vực nào cũng có những nguy cơ rủi ro ở những mức độ khác nhau... dẫn tới việc trẻ em bỏ học, rời xa môi trường học tập khi tuổi còn rất nhỏ, có nguy cơ phát triển lệch lạc và các hành vi lệch chuẩn. Những hệ quả này có thể khiến các em trở thành gánh nặng cho gia đinh, hạn chế khả năng phát triển và do đó giảm chất lượng của lực lượng lao động trong tương lai, đồng thời xã hội cũng phải chi phí một khoản tài chính rất lớn để khắc phục những hậu quả có liên quan tới các nguy cơ về sức khỏe của các em.

Nhằm nỗ lực giải quyết các vấn đề trên, ngoài những quy định liên quan trực tiếp đến quá trình lao động, Việt Nam đã có những chính sách trợ cấp nuôi dưỡng cho các đối tượng tập trung trong các cơ sở bảo trợ xã hội; chính sách phổ cập giáo dục tiểu học. Cùng đó, việc xây dựng các mô hình phòng ngừa và xoá bỏ lao động trẻ em như: Hệ thống Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; Mô hình dạy nghề thay thế cho trẻ em lang thang hồi gia đây là dự án hỗ trợ trẻ em lang thang đã được triển khai từ 2009-2011 tại 51 xã/8 tỉnh; Mô hình SCREAM truyền thông nâng cao nhận thức về xoá bỏ lao động trẻ em. SCREAM là phương pháp truyền thông phòng, chống lao động trẻ em thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ như kịch, thơ ca; Mô hình học văn hoá kết hợp học nghề và thực hành có thu nhập, mô hình này trong lúc tiếp tục học văn hoá thì trẻ em được học nghề và mang lại thu nhập cho các em; Mô hình hỗ trợ có điều kiện đã được áp dụng hơn 30 quốc gia và đã được thực hiện thí điểm ở một số địa phương tại Việt Nam,v.v.. đã góp phần ngăn ngừa và hạn chế vấn đề LĐTE ở Việt Nam.

Chương trình quốc gia xoá bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất được thực hiện đã mang lại những hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội. Ngoài ra chương trình cũng giúp thúc đẩy việc làm bền vững cho các gia đình và trẻ em trong tương lai và đảm bảo chất lượng của lực lượng lao động trong tương lai, giúp tăng sự ổn định xã hội thông qua việc giảm nguy cơ trẻ em tham gia các tệ nạn xã hội, đồng thời giúp giảm chi phí các chương trình bảo trợ xã hội trong tương lai khi trẻ em có nghề ổn định và việc làm tạo thu nhập bền vững./.

 

Mục tiêu của cụ thể của chương trình

- Giảm tỷ lệ trẻ em tham gia các hình thức LĐTE đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại mỗi năm xuống còn dưới 1%;

- Hỗ trợ phục hồi và hoà nhập cộng đồng cho 90% trẻ em tham gia các hình thức LĐTE tồi tệ nhất (mục tiêu của chương trình quốc gia BVTE đến năm 2015 là 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, phục hồi);

- Kiểm soát được tình trạng LĐTE và các hình thức LĐTE tồi tệ nhất vào năm 2020 thông qua hoàn thiện và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu BVCSTE.

Vân Khánh

 

 

 

 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất