Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về Dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam năm 2013. Dự Lễ phát động có đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Dương Quốc Trọng – Tổng cục Trưởng, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), đại diện lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam cùng với đại diện các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại lễ phát động, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt hay trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt công tác DS-KHHGĐ là một trong những nội dung trọng tâm của việc lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Vì vậy, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng: Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh để đã giảm từ 6,4 con năm 1960 xuống còn 2,09 con năm 2006 đạt mức sinh thay thế và được duy trì liên tục cho đến nay. Ngày 1/11/2013 vừa qua dân số nước ta mới đạt mức 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm và hơn 20 năm qua chúng ta đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuôỉ đã giảm từ 42,3%o năm 1989 xuống còn 15,4%o năm 2012. Tỷ số tử vong bà mẹ cũng giảm nhanh chóng trong thời gian qua. Tuổi thọ người Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2012.
Mặc dù đã đạt được những kết quả, thành tựu quan trọng nhưng công tác DS-KHHGĐ của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề mới phát sinh. Đó là mức sinh còn khác biệt giữa các vùng miền, giữa các tỉnh, thành phố. Tinh trạng mất cân bằng giới tính khi sinh càng gia tăng và diễn ra ở gần hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chúng ta đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” nhưng chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần còn nhiều hạn chế. Chúng ta cũng đã bước vào giai đoạn già hoá dân số với tốc độ nhanh nhất châu Á. Người cao tuổi nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, với trên 70% người cao tuổi sống với con cháu trong khi xu hướng cấu trúc gia đình có thay đổi; 68,2% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân, làm nông nghiệp, 70% người cao tuổi không có tích luỹ vật chất; chỉ có 30% có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi; hệ thống từ ngân sách Nhà nước; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi; hệ thống chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi và sức khoẻ người cao tuổi còn hạn chế.
Nhận thức sâu sắc được tính chiến lược, tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sự phát triển bền vững của đất nước và những khó khăn, thách thức của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới, ngày 26/11/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg về việc lấy tháng 12 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về Dân số. Đây là phần thưởng đặc biệt của Đảng và Nhà nước dành cho đội ngũ những người làm công tác DS-KHHGĐ trong cả nước. Quyết đinh của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhắc nhở mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội cần phải nhận thức sâu sắc rằng công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, là yêu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Để thiết thực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm 2013 với chủ đề “Già hóa dân số - Những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi”, đồng thời triển khai kế hoạch công tác DS-KHHGĐ năm 2014, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị toàn ngành phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Hệ thống cán bộ làm công tác y tế-dân số từ trung ương tới địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Quốc hội, Nhà nước, với các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2014 góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số và Sức khoẻ sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. - Đẩy mạnh các hoạt động, mô hình đã và đang triển khai nhằm can thiệp một cách hiệu quả nhất các vấn đề về cơ cấu dân số, chất lượng dân số như Kiểm soát và giảm thiểu tình trạng cân bằng giới tính khi sinh, Tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở một số vùng dân tộc ít người…
- Tập trung mọi nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết vấn đề già hoá dân số: Phối hợp, chủ động đề xuất xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc nhằm bắt kịp sự biến đổi khân khẩu học và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng lớn của người cao tuổi; xây dựng các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng, các cơ sở hạ tầng, khu vui chơi thân thiện với người cao tuổi; mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế thông qua việc triển khai chương trình an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người cao tuổi; tăng mức trợ cấp xã hội, lương hưu để giải quyết hiệu quả hơn tình trạng đói nghèo của người cao tuổi, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
- Tổ chức đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2013: Các sự kiện, chiến dịch truyền thông trên các kênh truyền thông các cấp quán triệt đầy đủ, sâu sắc tư tưởng, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, về chăm sóc người cao tuổi; các hội nghị, hội thảo, các diễn đàn nhằm giải quyết các vấn đề trọng tâm của công tác DS-KHHGĐ và vấn đề già hoá dân số; khảo sát, kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; triển khai cung cấp các dịch vụ DS-KHHGĐ cho nhân dân tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn./.
Duy Hưng