(TG) - Đã qua đi gần 55 năm (1961-2016), kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất độc hóa học trên đất nước ta, nhưng những hậu quả, di chứng của chất độc da cam do quân đội Mỹ để lại trên mảnh đất hình chữ S còn quá nặng nề. Hàng ngày, hàng giờ, nhiều gia đình, nhiều con người phải đối mặt với bệnh tật dày vò, đau đớn, dị tật, dị dạng.
Có những người cha, người mẹ không bao giờ được ẵm bồng, nuôi nấng giọt máu của mình vì sự sống của chúng quá ngắn ngủi. Nếu may mắn sinh được con thì lại phải đau lòng chứng kiến những đứa con sinh ra suốt đời sống trong bệnh tật, dị hình, dị dạng. Đau lòng hơn là những người phụ nữ khao khát, ước mong được làm mẹ dù chỉ một lần cũng không có cơ hội... Đa số nạn nhân chất độc da cam phải sống trong nghèo khó, thiếu thốn, khó khăn, đau khổ kể cả tinh thần lẫn thể xác.
Không trực tiếp bị đế quốc Mỹ rải chất độc, nhưng tại tỉnh Hưng Yên hiện nay, 10/10 huyện, thành phố đều có người bị nhiễm chất độc hóa học với con số lên tới hơn 6.000 người. Trong số đó, có khoảng 500 hộ có 2 nạn nhân bị dị dạng, dị tật; 800 gia đình có 3 - 4 con là nạn nhân; 4.573 người là nạn nhân chất độc da cam được hưởng trợ cấp hàng tháng của nhà nước (2.862 người hoạt động kháng chiến nhiễm trực tiếp, 1.691 con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm). Số người hoạt động kháng chiến, con đẻ của họ và những nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam thuộc diện chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng ước tính khoảng hơn 1.500 người.
Thấu hiểu những nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam và thân nhân của họ đang hàng ngày, hàng giờ phải gánh chịu, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã hết sức quan tâm khắc phục hậu quả thảm họa da cam do đế quốc Mỹ đã gây ra. Đảng bộ tỉnh đã quán triệt nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt Thông báo kết luận số 292-TB/TW ngày 18/12/2009 và Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X và khóa XI) tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Sau quán triệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời nghiêm túc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến nạn nhân chất độc da cam, như: chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp đối với người phục vụ, đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến; chế độ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho bản thân và con đẻ đối tượng.
Để công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh đạt được kết quả thiết thực, các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở, nhất là Ban vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã có những hành động, việc làm cụ thể trong hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân vươn lên trong cuộc sống, xoa dịu nỗi đau để họ hòa nhập với cộng đồng. Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh từ khi thành lập đến nay đã tiếp nhận trên 45 tỷ đồng; đã hỗ trợ 73.594 lượt nạn nhân và gia đình nạn nhân, với tổng trị giá trên 37,3 tỷ đồng; trong đó xây mới 298 ngôi nhà, trị giá trên 3,2 tỷ đồng; sửa chữa 740 ngôi nhà trị giá trên 4,3 tỷ đồng; tặng 642 con bê sinh sản, trị giá gần 3,3 đồng; hỗ trợ giống vốn sản xuất cho 4.473 hộ, trị giá trên 5,3 tỷ đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 21.082 lượt nạn nhân, trị giá trên 4,4 đồng; tặng quà cho 28.807 lượt nạn nhân, trị giá trên 6,1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ vốn sản xuất, tặng xe lăn, phẫu thuật chỉnh hình, chăn mùa đông, tặng đồ dùng sinh hoạt, tivi, quạt điện, làm bể nước, giếng khoan, sổ bảo hiểm... cho 17.552 lượt nạn nhân, trị giá 10.491.391.000 đồng.
Đáng chú ý, chỉ 4 năm sau khi Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động (ngày 10/01/2004), với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị trong tỉnh, ngày 18/6/2008, Hội nạn nhân chất dộc da cam/dioxin tỉnh Hưng Yên đã được thành lập với chức năng, nhiệm vụ chính là tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên; chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh góp tiếng nói chung đấu tranh bảo vệ công lý, buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra trong những năm tháng chiến tranh.
Qua 8 năm hoạt động, đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hưng Yên đã tổ chức được 2 kỳ Đại hội; có 8/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập được Hội cấp mình; số hội viên phát triển nhanh, từ 100 hội viên lúc mới thành lập, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được trên 3.000 hội viên. Tổ chức Hội đang đi vào hoạt động có nề nếp và hiệu quả. Ở cấp xã, nhiều xã đã thành lập được Ban vận động và đang xúc tiến thành lập tổ chức xã hội cấp xã.
Các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh đã tích cực hoạt động, vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Hàng năm, Hội đều phối hợp với Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông qua băng tư liệu về "Thảm họa da cam" chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh vào dịp trước, trong và sau Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961); đưa tin bài, hình ảnh về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thăm, tặng quà nạn nhân nhiễm chất độc da cam nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm. Hội cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam ghi hình, phát tin về tấm gương các nạn nhân chất độc da cam vượt lên khó khăn, bệnh tật, làm kinh tế gia đình từ nghèo khó trở thành khá ở tỉnh.
Tỉnh Hội đã vận động và tiếp nhận được trên 1 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau; tiếp nhận quà của Trung ương Hội, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước 245 triệu đồng, 650 chiếc áo, 200 hộp dầu cá, 18 chiếc xe lăn và 175 suất quà. Bên cạnh đó, Hội còn tích cực phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Hội Chữ thập đỏ 10 huyện, thành phố tiếp nhận các nguồn vận động ủng hộ được gần 750 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí vận động và tiếp nhận này, các cấp Hội đã chi hỗ trợ xây nhà mới 5 nhà trị giá 275 triệu đồng; sửa chữa 11 nhà trị giá 125 triệu đồng. Hội đã tặng 250 suất quà trị giá 200.000/suất cho 250 nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh; tặng 550 chiếc áo, 200 hộp dầu cá, 18 xe lăn cho 413 đối tượng, tổng trị giá 240 triệu đồng; hỗ trợ học nghề cho 02 nạn nhân gián tiếp trị giá 3.000.000 đồng/người…
Với mong muốn thực sự là cầu nối giữa nạn nhân chất độc da cam với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhằm ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân trong tỉnh về vật chất và tinh thần, giúp họ vơi đi những khó khăn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hưng Yên không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc tuyên truyền, kêu gọi, vận động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Các cấp Hội đã nỗi lực thực hiện phương châm kết nối được nhiều nhất có thể, mở rộng được nhiều nhất có thể những “vòng tay yêu thương”, những trái tim nhân ái. Chính vì vậy, các hình thức giúp đỡ, ủng hộ những người “đau khổ nhất trong những người đau khổ” ngày càng phong phú, mở rộng hơn. Hàng năm, Thường trực Hội đã liên hệ với Công ty cổ phần Đông Nam dược Nguyễn Văn Thiệu ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, đưa nạn nhân nhiễm chất độc da cam của 03 huyện (Tiên Lữ, Ân Thi, Khoái Châu) khám định kỳ mỗi tháng 60 lượt người, mỗi người được khám cấp thuốc miễn phí hơn 400.000 đồng/tháng, tổng giá trị lên tới 288 triệu đồng/năm). Đồng thời, nhận sự giúp đỡ của Công ty Tuấn Toàn ở Hà Nội chụp ảnh thẻ hội viên miễn phí cho các huyện Hội. Tỉnh Hội thông qua UBND huyện Văn Giang, Văn Lâm lập danh sách 02 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia dự án do Quỹ Thiện Tâm phối hợp với Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, trực tiếp là Đoàn thanh niên trường Đại học Nông nghiệp I - Gia Lâm, Hà Nội, hướng dẫn thực hiện dự án cải thiện đời sống gia đình, mỗi gia đình đầu tư 30 triệu đồng trong 2 năm. Phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện lập danh sách nạn nhân dị dạng, dị tật, u biếu, gửi đến Bệnh viện đa khoa Phúc Lâm (Văn Giang, Hưng Yên) để khám và điều trị miễn phí. Phối hợp với Phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hưng Yên lập danh sách nạn nhân tiêu biểu tham gia cùng Đoàn của Trung ương Hội đi giao lưu, tham quan tại Hàn Quốc. Phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tại Hưng Yên tặng 40 suất quà trị giá 20 triệu đồng (mỗi suất 500.000 đồng) cho 40 nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 năm 2009, 2010 ở huyện Mỹ Hào, Văn Giang, Văn Lâm và thành phố Hưng Yên…
Chia sẻ về những cố gắng của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua, ông Lê Thế Thanh, Chủ tịch Hội khẳng định: “Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, củng cố sự nhất trí về chính trị - tinh thần, tăng cường “trận địa lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.”
Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên