Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 18/12/2008 23:40'(GMT+7)

Hướng tới một nền giáo dục hiện đại, khoa học, dân tộc

Chiến lược này nhằm nêu những mục tiêu và giải pháp nhằm tạo bước chuyển căn bản của nền giáo dục nước nhà trong 10 năm tới.

Năm 2009- ban hành Nghị định về cơ cấu mới của hệ thống giáo dục quốc dân

Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020 Bộ Giáo dục- Đào tạo công bố lần này là dự thảo lần thứ 13. Chiến lược này tiếp tục thực hiện giai đoạn cuối của Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, với những điều chỉnh cần thiết, tạo những bước chuyển căn bản của giáo dục trong thập niên tới.

Dự thảo đã khái quát lại những thành tựu cũng như hạn chế của tình hình giáo dục Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 21. Theo đó, những thành tựu của giáo dục Việt Nam là: Qui mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội; Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo đã có chuyển biến; Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã được công nhận chuẩn quốc gia về xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và đang thực hiện phổ cập trung học cơ sở; Công tác xã hội hoá giáo dục và việc huy động nguồn lực cho giáo dục đã đạt được những kết quả bước đầu; Công bằng xã hội trong giáo dục được cải thiện; Công tác quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, giáo dục nước ta vẫn còn những bất cập và yếu kém sau: Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông giữa các cấp học và các trình độ đào tạo, trong đó giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới. Trong phát triển giáo dục chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển số lượng với nâng cao chất lượng. Nội dung, phương pháp giáo dục từ mầm non đến phổ thông đã được đổi mới nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế; chương trình giáo dục đại học chậm đổi mới, chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng đuợc nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới. Cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường còn thiếu thồn và lạc hậu.

Mục tiêu chung của chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2020 là trong vòng 20 năm tới, phấn đấu xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc, làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển bền vững đất nước, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một xã hội học tập, có khả năng hội nhập quốc tế; nền giáo dục này phải đào tạo được những con người Việt Nam có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, có khả năng thích ứng, hợp tác và năng lực giải quyết vấn đề, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, có thể lực tốt, có bản lĩnh, trung thực, ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm công dân, gắn bó với lý  tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Dự thảo Chiến lược nêu 3 mục tiêu của giáo dục từ nay đến năm 2020 là: Qui mô giáo dục được phát triển hợp lý, chuẩn bị nguồn lực cho đất nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân; Chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng cao, tiếp cận được với chất lượng giáo dục của khu vực và quốc tế; Các nguồn lực cho giáo dục được huy động đủ, phân bổ và sử dụng có hiệu quả để đảm bảo điều kiện phát triển giáo dục.

Để thực hiện các mục tiêu này, Dự thảo Chiến lược đề ra 11 giải pháp, trong đó có 2 giải pháp chính: Đổi mới quản lý giáo dục; Xây dựng đội ngũ các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Theo đó, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện công khai hoá về chất lượng giáo dục, nguồn lực cho giáo dục và tài chính của các cơ sở giáo dục. Nhanh chóng tiến tới chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng giáo viên, giảng viên và các viên chức khác. Đến năm 2010, tất cả số giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng nêu một số giải pháp khác như: Tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân và mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục. Theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được cấu trúc lại theo hướng đa dạng hoá, chuẩn hoá, bảo đảm tính phân luồng rõ rệt và liên thông sau trung học cơ sở để tạo cơ hội học tập suốt đời cho người học. Vào năm 2009 sẽ ban hành Nghị định của Chính phủ về cơ cấu mới của hệ thống giáo dục quốc dân.

Ngành giáo dục cũng sẽ tiếp tục đổi mới chương trình và tài liệu giáo dục ; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập, kiểm định và đánh giá các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho giáo dục; gắn đào tạo với nhu cầu xã hội; hỗ trợ giáo dục đối với các vùng, miền và người học được ưu tiên; Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu; xây dựng các cơ sở giáo dục tiên tiến.

Ngành giáo dục phấn đấu tổ chức một số trường Đại học theo hướng nghiên cứu. Đến năm 2010 có 14 trường và đến năm 2020 có khoảng 30 trường đại học theo hướng nghiên cứu cơ bản. Đến năm 2020, xây dựng 10 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong hệ thống trường đại học trọng điểm. Ngành cũng có hướng xây dựng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng cao để đào tạo nhân lực đạt chuẩn quốc tế cho một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tập trung đầu tư nhà nước và sử dụng vốn vay ODA xây dựng một số trường đại học VN đạt đẳng cấp quốc tế để đến năm 2020 có ít nhất 5 trường đại học VN được xếp hạng trong số 50 đại học hàng đầu của khu vực ASEAN và 2 trường Đại học VN được xếp hạng trong số 200 đại học hàng đầu thế giới.

Những qui luật chi phối hoạt động của ngành giáo dục

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nêu lên các quy luật về xã hội, kinh tế và giáo dục mà ngành giáo dục- đào tạo đã vận dụng để xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020.

Về quy luật xã hội, phải lưu ý 3 qui luật sau: Thứ nhất là qui luật về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, giữa cá nhân và xã hội; cần xác định là tạo môi trường để khuyến khích hiệu quả và sáng tạo của mỗi cá nhân. Thứ hai, các hoạt động trong xã hội muốn trở thành qui mô lớn, một phong trào thì phải có tiền đề cơ sở ở qui mô nhỏ hơn, ở các địa bàn khác nhau. Thứ ba, phải xác định con người có khả năng học tập suốt đời, nếu có điểm xuất phát nhất định về tri thức và được trang bị tối thiểu.

Về quy luật kinh tế, trước hết là qui luật về quản lý, người lãnh đạo phải được đánh giá đúng thì mới phát huy hết vai trò của họ. Người lãnh đạo phải được đánh giá 3 chiều: đánh giá từ người cùng công tác ngang mình, đánh giá từ cấp trên xuống và đánh giá từ cấp dưới lên. Nếu không có sự đánh giá từ cấp dưới thì nguy cơ quan liêu rất lớn và dễ dẫn đến đánh giá sai. Thứ hai, trong kinh tế chúng ta đều biết vai trò của cạnh tranh. Cạnh tranh sẽ là động lực nếu người tiêu dùng nhận biết chất lượng của sản phẩm. Đối với giáo dục, nếu không có thông tin đúng về chất lượng giáo dục thì không khuyến khích được người làm tốt. Như vậy đòi hỏi sự minh bạch, để người dân có quyền lựa chọn. Thứ ba, để cạnh tranh làm được vai trò động lực thì phải có cơ quan giám sát, bảo vệ cho người tiêu dùng (trong lĩnh vực là người học). Hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo có Cục khảo thí và đánh giá chất lượng giáo dục để có nhiệm vụ chuyên trách về vấn đề này. Ở các sở mấy năm gần đây cũng có phòng thảo khí và đánh giá chất lượng giáo dục.

Về quy luật giáo dục, giáo dục muốn phát triển bền vững, trước hết phải xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. Đây là cái gốc của vấn đề và trong thời gian tới cần phải làm mạnh. Thứ hai, phải xác định vai trò của người giáo viên là trọng tâm của quá trình dạy học, là người truyền đạt kiến thức trực tiếp, hướng dẫn quá trình tự học của học sinh. Giáo viên phải là tấm gương về đạo đức, về tinh thần tự học và sáng tạo. Thứ ba, phải đổi mới công nghệ giáo dục, từ sách giáo khoa, đến phương tiện, phương pháp dạy học, đến đánh giá chất lượng giáo dục. Thứ tư, hiệu trưởng các trường học thực sự là đầu tàu trong đổi mới giáo dục, góp phần đưa những mục tiêu đổi mới giáo dục thành hiện thực. Thứ năm, Việt Nam có truyền thống hiếu học, tôn trọng người dạy, đây à điều thuận lợi, nhưng cũng có trở ngại về tâm lý khi học sinh nhận xét về chất lượng giáo viên. Chúng ta cần khuyến khích học sinh tham gia đổi mới chương trình học bằng cách đánh giá thực chất người thầy. Và cuối cùng là việc xây dựng giáo dục toàn diện nhân cách cho học sinh. Hiện nay, Bộ Giáo dục- Đào tạo phối hợp cùng Bộ Văn hoá- Thể thao- Du lịch và Trung ương Đoàn TNCS HCM xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực". Đến tháng 12/2008, đã có gần 3.000 di tích lịch sử văn hoá được các trường học nhận chăm sóc.

6 quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục trong dự thảo Chiến lược giáo dục 2009-2020 sẽ trình Thủ tướng phê duyệt:

1. Giáo dục và đào tạo có sứ mạng đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời tạo lập nền tảng và động lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Phát triển nền giáo dục của dân, do dân và vì dân.

3. Giáo dục vừa đáp ứng yêu cầu xã hội, vừa thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân, mang đến niềm vui học tập cho mỗi người và tiến tới một xã hội học tập.

4. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục phải dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nền giáo dục giàu tính nhân văn, tiên tiến, hiện đại.

5. Phát triển dịch vụ giáo dục và tăng cường yếu tố cạnh tranh trong hệ thống giáo dục là một trong những động lực phát triển giáo dục.

6. Giáo dục đảm bảo chất lượng tốt nhất trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp.

Từ tuần sau, Bộ GD-ĐT sẽ công bố Dự thảo Chiến lược Phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020 trên trang Web của bộ để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân đóng góp cho dự thảo./.

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất