Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 15/12/2008 20:13'(GMT+7)

Nghề thu nhập thấp, sinh viên "kén" học

Thu nhập thấp sau khi ra trường, ngày càng ít thí sinh chọn học các ngành nông nghiệp. Ảnh Hànội mới

Thu nhập thấp sau khi ra trường, ngày càng ít thí sinh chọn học các ngành nông nghiệp. Ảnh Hànội mới

Theo ông Vũ Đình Hòa, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông nghiệp Hà Nội, khoa Công nghiệp và Công trình nông thôn đã tồn tại hơn 10 năm nhưng phải đóng cửa. Trong bốn năm qua, khoa này không tuyển đủ sinh viên để mở lớp. Năm 2007, có ba thí sinh trúng tuyển đến làm thủ tục nhưng phải chuyển sang học ngành khác. Năm 2008 chỉ có một em đăng ký nhập học.

Tương tự, khoa Khoa học đất chỉ hơn 10 sinh viên đến làm thủ tục nhập học. Khoa Cơ khí - Kỹ thuật cũng không khá hơn, số sinh viên nhập học năm sau thấp hơn năm trước. Khoa có tới 6 chuyên ngành, năm 2007 có 200 sinh viên nhập học, năm 2008 còn 110 em.

Ngành Chăn nuôi vốn được coi là thế mạnh của trường, chỉ tiêu tuyển sinh là 71, nhưng chỉ tập trung được hơn 40 thí sinh. Theo Nguyễn Văn Phương, quê Hưng Yên, một thí sinh trúng tuyển vào ĐH Nông nghiệp Hà Nội, do “nhìn thấy” mức lương sau khi tốt nghiệp thấp nên em quyết định không đăng ký học, để sang năm thì trường khác.

Trưởng phòng Đào tạo trường này, ông Vũ Đình Hòa, nói: "Sinh viên ngày càng chê những ngành học liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, vì cho rằng công việc sau khi ra trường vất vả, thu nhập thấp, ít triển vọng. Thay vào đó, các em chạy theo những ngành đang “hot” liên quan đến kinh tế, công nghệ…".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết Tam nông cho thấy định hướng phát triển, hiện đại hóa nông thôn rất được quan tâm. Khi khoa học dần thay thế lao động thủ công thì rất cần nguồn lao động có kỹ thuật. Tuy nhiên, thị trường hiện thiếu hụt nhiều lao động kỹ thuật trong ngành nông nghiệp, còn lao động phổ thông lại dư thừa.

Không thể trách thí sinh chê ngành nông nghiệp, vì định hướng giáo dục đang bất cập, chưa có những chính sách hỗ trợ để thu hút người học vào những ngành này. Vì vậy, bà Hương đề xuất, ngoài việc ban hành những chế độ đãi ngộ và tuyên truyền, có thể đổi tên những khoa, ngành để sinh viên có thể bớt thành kiến với nghề nông hơn.

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng thực trạng trên không chỉ nằm ở vấn đề thu nhập. Thực tế, đa phần sinh viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn xuất thân từ nông thôn. Nếu các em về làm việc tại địa phương, mức lương vẫn có thể tạm chấp nhận.

Cũng theo ông Hãn, định hướng phát triển kinh tế là yếu tố chính quyết định quy mô giáo dục. Tuy nhiên, Việt Nam đang phát triển giáo dục theo quy mô dân số, khi phấn đấu đến 2020 phải có khoảng 600 trường ĐH, gấp đôi số lượng hiện có. Như vậy là quá thừa, trong khi chất lượng giáo dục ĐH còn quá thấp. Nhà nước thiếu một quy hoạch dài hơi đi kèm với việc cơ cấu ngành, nghề phát triển kinh tế - xã hội.

DT- theo HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất