Thứ Ba, 17/9/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 24/4/2015 14:52'(GMT+7)

Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2015 “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng"

Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất phòng một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em.

Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất phòng một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em.

Ngày 24/4, tại thành phố Bắc Giang, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2015. Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. 

Tiêm chủng để bảo vệ trẻ

Tại Việt Nam, dịch bệnh sởi đã xảy ra vào năm 2014, năm 2015, một số trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà ở trẻ 2-4 tháng tuổi, bệnh sởi khi trẻ trong khoảng thời gian 9-12 tháng tuổi. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh do các bà mẹ không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Đặc biệt hiện nay tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu là rất thấp, do đó làm tăng nguy cơ số trẻ mắc bệnh viêm gan B dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
    
Trong khi đó, tiêm chủng được công nhận rộng rãi như là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất, góp phần ngăn chặn từ 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm và bảo vệ trẻ em không chỉ chống lại các bệnh như bệnh bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi,.. mà còn chống lại các căn bệnh khác như viêm phổi và tiêu chảy do vi rút Rota, 2 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi.

Nhờ tiêm chủng, thanh thiếu niên và người trưởng thành cũng có thể phòng tránh được các bệnh như cúm, viêm màng não và ung thư (cổ tử cung và gan) nhờ những vắc xin mới ngày càng tinh vi hơn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trẻ em chưa được tiếp cận chiến dịch tiêm chủng đầy đủ, ước tính có khoảng 21,8 triệu trẻ sơ sinh trên thế giới không nhận được vắc xin tiêm phòng. Nhiều quốc gia chưa cung cấp đầy đủ các loại vắc xin, gia đình trẻ thiếu điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế, thiếu thông tin chính xác về tiêm chủng… Đây là bài toán đầy thử thách đặt ra với mọi quốc gia trên thế giới hiện nay trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, tại cuộc họp báo về tuần lễ tiêm chủng năm 2015, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ sẽ dễ dàng khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, tàn tật và tử vong, thậm chí gây bùng phát dịch lớn trong cộng đồng. Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết: năm 2014, đã có gần 1,7 triệu trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2015
 
Tuần lễ tiêm chủng năm 2015 do Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động từ ngày 24 - 30/4 với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”. Sự kiện này tại Việt Nam nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông về tiêm chủng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng vắc-xin, duy trì thành quả của tiêm chủng mở rộng; huy động sự tham gia hưởng ứng, đầu tư của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho hoạt động tiêm chủng vắcxin phòng bệnh đồng thời nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Những mục tiêu chính của Tuần lễ tiêm chủng gồm tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên, đáp ứng các mục tiêu về độ bao phủ tiêm chủng; Giới thiệu những vắcxin mới và những vắcxin đã được cải tiến; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển những thế hệ vắcxin tiếp theo và công nghệ sản xuất. Chiến dịch năm nay tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách tiêm chủng và đạt mục tiêu đã đề ra như được nêu trong Kế hoạch hành động toàn cầu về vắcxin (GVAP). 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao lợi ích của việc tiêm chủng trong việc phòng bệnh và khẳng định việc phát động Tuần lễ tiêm chủng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả người dân nhận thức được tầm quan trọng, tính bắt buộc của việc tiêm chủng cho con, em mình, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền, đoàn thể cùng chỉ đạo phối hợp với ngành y tế ở tất cả các khâu để thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng trong toàn quốc, sao cho tất cả mọi người dân đều được tiêm chủng đúng, đủ, an toàn và thuận lợi. 

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Trong vòng hai thế kỷ qua, vắcxin đã góp phần rất lớn đẩy lùi nhiều dịch bệnh và giảm tỷ lệ tử vong, bảo vệ sức khỏe con người. Hiện nay, có hơn 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vắcxin. Tuy nhiên, trong những năm gần đây dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp. Nếu việc tiêm chủng vắcxin phòng bệnh không được duy trì, trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn. 

Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho rằng: Việt Nam cần lồng ghép tiêm chủng với những dịch vụ y tế khác để giảm nguy cơ bị bỏ lỡ, tổ chức nhiều hơn các buổi tiêm chủng và tuyên truyền giáo dục sức khỏe về tầm quan trọng của tiêm chủng cùng những hành vi lành mạnh khác. Cùng với việc tăng cường hệ thống cung cấp các dịch vụ tiêm chủng, đảm bảo nguồn lực được phân bổ đủ cho công tác tiêm chủng, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới cần gây dựng niềm tin của công chúng đối với tiêm chủng. 

Sau buổi lễ các đại biểu đã tham gia diễu hành cổ động với các thông điệp như: “Toàn dân tích cực hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2015”, “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”, “Vì tương lai trẻ thơ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch”… và chứng kiến buổi tiêm chủng tại trạm y tế xã Song Mai, thành phố Bắc Giang. 

Qua hơn 30 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ở Việt Nam, hàng trăm triệu liều vắcxin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em để phòng bệnh, làm hạn chế về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Nhờ có vắcxin, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, sởi… giảm hàng trăm lần so với trước. 

Việt Nam đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi bằng việc triển khai Chiến dịch tiêm vắcxin sởi – rubella cho 20 triệu trẻ trong thời gian qua và đưa vắcxin ngừa sởi – rubella vào tiêm chủng thường xuyên, nâng số vắcxin trong Chương trình lên 12 loại. Vừa qua, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đạt chuẩn quốc tế đối với hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin. Đây là sự khẳng định chất lượng vắcxin sản xuất trong nước và góp phần thực hiện mục tiêu: thanh toán bệnh bại liệt trên phạm vi toàn cầu vào năm 2018, loại trừ bệnh sởi trên phạm vi toàn cầu vào năm 2020 và giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% ở khu vực Tây Thái Bình Dương vào năm 2017.

Thông điệp của “Tuần lễ tiêm chủng” Việt Nam 2015

1.Toàn dân tích cực hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” năm 2015.

2. Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng.

3. Tiêm chủng phòng bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương của cha mẹ.

4. Tiêm chủng vắcxin phòng bệnh - niềm hạnh phúc trẻ thơ.

5. Vì tương lai trẻ thơ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

6. Tiêm chủng vắcxin phòng bệnh an toàn và hiệu quả.

7. Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất phòng một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em.

8. Trẻ em có quyền được tiêm chủng miễn phí các vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

9. Hãy đưa trẻ đến trạm y tế xã, phường, thị trấn để tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Minh Hạnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất