Thứ Bảy, 5/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 20/4/2010 22:0'(GMT+7)

Hướng về Thăng Long - Hà Nội nghìn năm

người đẹp đăng quang tại Hoa hậu thế giới người Việt 2007: Hoa hậu Ngô Phương Lan, Á hậu 1 Teresa Sam, Á hậu 2 Đặng Minh Thu.

người đẹp đăng quang tại Hoa hậu thế giới người Việt 2007: Hoa hậu Ngô Phương Lan, Á hậu 1 Teresa Sam, Á hậu 2 Đặng Minh Thu.

Tôn vinh vẻ đẹp Việt trên toàn thế giới
Cuộc thi lần thứ 2 này là sự tiếp nối thành công của lần tổ chức đầu tiên (năm 2007) để tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ và ngoại hình của phụ nữ Việt Nam, kể cả phụ nữ gốc Việt đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài. Ở tầm cao hơn, đây là dịp để cộng đồng người Việt trên thế giới xích lại gần nhau, đưa tuổi trẻ Việt Nam trở về cội nguồn, góp phần mạnh mẽ vào việc cổ vũ và khẳng định chủ trương đúng đắn và rộng mở của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc.

Theo lịch trình, bắt đầu từ ngày 25-4 đến trung tuần tháng 5, BTC tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Sau đó, công tác sơ tuyển trong nước sẽ diễn ra tại 5 địa điểm: Tuyên Quang, Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Còn công tác tuyển chọn tại nước ngoài được bắt đầu từ tháng 6 với việc sơ tuyển, thi bán kết cho 4 khu vực châu Mỹ (tại Mỹ), châu Âu (Anh), SNG (Nga) và châu Á (Hàn Quốc). Vòng chung kết cuộc thi diễn ra từ ngày 10 đến 21-8 tại Khu du lịch và giải trí Vinpearlland (Nha Trang, Khánh Hòa) - nơi đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi lần thứ nhất, với sự góp mặt của 32 thí sinh xuất sắc nhất.


Để giải quyết vướng mắc về những rào cản ngôn ngữ, phong tục tập quán, theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, thành viên BTC cuộc thi thì các thí sinh vào vòng chung kết sẽ được tập luyện, bổ túc kiến thức, kỹ năng trình diễn, nhất là về tiếng Việt trước khi ứng thí.

Hình ảnh đăng quang của Hoa hậu Ngô Phương Lan.

Sự kiện hướng về Hà Nội nghìn năm
Theo BTC, vòng chung kết cuộc thi diễn ra gần với thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ mang sắc thái của một sự kiện văn hóa tiêu biểu chào mừng Đại lễ mà toàn dân Việt cùng hướng tới. Ông Lê Khắc Hiệp cho biết: Các vòng thi đều có những nội dung và câu hỏi liên quan đến lịch sử, văn hóa của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Hiểu biết về Thủ đô cũng là tiêu chí cơ bản để lựa chọn các ngôi vị cao nhất trong cuộc thi này. "Ngay sau khi kết thúc cuộc thi, BTC sẽ xin phép cơ quan có thẩm quyền để các thí sinh đoạt giải được tham gia những hoạt động chung trong 10 ngày diễn ra Đại lễ kỷ niệm", ông Lê Khắc Hiệp cho biết thêm.
 
Theo giới chuyên môn, để đạt được mục tiêu hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội một cách thiết thực, có lẽ BTC nên đưa ra một chủ đề cụ thể về Hà Nội vào cuộc thi. Các thí sinh từng tham dự và đoạt giải tại cuộc thi lần thứ nhất có thể được trao trọng trách - sứ giả quảng bá sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại nơi mình sống.

Sau khi cuộc thi kết thúc, ngoài việc tham gia các hoạt động từ thiện, chương trình trong khuôn khổ Đại lễ, thí sinh đoạt giải cần được mời gọi tham gia vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Có như vậy, cuộc thi mới đáp ứng được tiêu chí là "sợi dây kết nối tinh thần đoàn kết dân tộc" như BTC đã đề ra.

An Nhi-HNM0


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất