Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 31/5/2012 22:27'(GMT+7)

Hút thuốc lá nơi công cộng - ai phạt?

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Hiện nay, ở các nơi công cộng như lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... vẫn còn người hút thuốc. Đa số những người này không bị ai nhắc nhở, hoặc khi được người khác nhắc nhở đều bỏ ra ngoài hoặc bỏ thuốc đi, nhưng chỉ lát sau lại tái phạm. Mặc dù được tuyên truyền và khuyến cáo không hút thuốc lá. Cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Nhưng nhiều người vẫn “vô tư” hút, dù biết rõ thuốc lá không những không tốt cho bản thân người hút, mà còn làm ảnh hưởng đến người khác và môi trường xung quanh.

Hút thuốc lá - ai phạt?

Nghị định 45/2005/NĐ-CP về việc cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng do Chính phủ ban hành bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2010. Theo đó, tại các nơi công cộng như lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng sẽ bị nghiêm cấm hút thuốc lá. Nếu cố tình hút sẽ bị xử phạt hành chính từ 50 -100 ngàn đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện sẽ rất khó khăn, rất khó để xử phạt người hút thuốc. Tại nhà ga, trên tàu, hay nơi công cộng, nhân viên bảo vệ cũng chỉ có quyền nhắc nhở chứ không có quyền phạt.

Khi được hỏi về quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên: Có thấy ai nói gì đâu mà cấm với phạt. Người ta cứ treo biển đầy ra đấy nhưng vẫn khối người hút. Còn những người đã biết tới quy định này thì lại cho rằng, khó có thể phạt được họ vì có ai phạt đâu! Người ta cứ quy định chung chung như thế chứ có nói rõ là ai được quyền phạt những người hút thuốc đâu…

Cần phải có biện pháp mạnh

Chính phủ cũng đã có những văn bản, chế tài xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng dường như những chế tài này chưa đủ mạnh để hạn chế tình trạng hút thuốc. Theo điểm a, khoản 1, Điều 16 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP, từ năm 2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì các hành vi “Hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm” sẽ bị “cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng”.

Tuy nhiên, việc xử phạt những người hút thuốc lá nơi công cộng lại chưa được quy định thật rõ lực lượng nào sẽ theo dõi, giám sát, xử phạt. Vì thế Nghị định vẫn không được thực hiện nghiêm túc và có tính khả thi. Nếu không có bằng chứng rõ ràng, việc xử phạt người hút thuốc ở địa điểm bị cấm là rất khó, vì thời gian hút một điếu thuốc rất ngắn. Theo Quyết định 1315 của Thủ tướng, thanh tra chuyên ngành và các tỉnh thành được giao xử phạt các trường hợp hút thuốc tại địa điểm cấm, nhưng toàn quốc mới có 316 thanh tra y tế lo đủ thứ việc từ giải quyết khiếu nại tố cáo, khám chữa bệnh, thực hiện chính sách, rất khó có nhân lực thực hiện xử phạt người hút thuốc lá tại địa điểm bị cấm.

Sau hơn hai năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấm hút thuốc lá nơi công cộng (từ ngày 1-1-2010), đến nay việc vi phạm vẫn còn khá phổ biến. Thực tế hiện nay, việc thực hiện cấm hút thuốc lá nơi công cộng dường như chỉ dừng ở việc nhắc nhở dưới hai hình thức chủ yếu: treo bảng “Cấm hút thuốc lá” ở những nơi tập trung đông người và lực lượng bảo vệ tại những nơi công cộng được giao nhiệm vụ nhắc nhở người hút thuốc lá.

Rất cần cả xã hội vào cuộc

Việc không hút thuốc nơi công cộng ở nước ta vẫn chỉ dừng lại ở tuyên truyền mà chưa có ai bị xử phạt vì hút thuốc không đúng quy định. Từ khi thực hiện cuộc vận động văn minh nơi công sở, văn minh trong việc cưới, việc tang…thì việc hút thuốc mới được hạn chế. Nhưng ở đâu đó, những mẩu thuốc, tàn thuốc vương vãi ở khắp nơi vẫn là hình ảnh không đẹp cho môi trường sống của chúng ta. Với mỗi người, việc nhắc nhở người khác quanh ta không hút thuốc vẫn còn là điều hiếm vì tâm lý nể nang e ngại. Nếu nhắc nhở mà bị “cười trừ” thì cũng thôi chứ không kiên quyết. Vậy là mọi chuyện đều trông chờ vào ý thức tự giác của mỗi người.

Trên thực tế, có nhiều vị là công chức (thậm chí lãnh đạo nhà trường, các thầy giáo) vẫn vô tư thản nhiên hút thuốc trước học sinh và phụ huynh, khi được nhắc nhở thì có người còn nói được câu xin lỗi. Còn phần lớn khi đồng nghiệp có nhắc nhở nhẹ nhàng thì cũng chỉ “cười trừ” và nói “không bỏ được”. Đã ai dám phạt thủ trưởng của mình về hành vi hút thuốc lá hay chưa? Vì thế, chuyện làm gương cần được đặt lên trên hết, mà các thầy giáo là người cần phải “nói đi đôi với làm”.

Chưa ở đâu đưa vấn đề hút thuốc lá vào tiêu chí đánh giá công chức cuối năm, vì vậy việc hút thuốc nơi công sở vẫn diễn ra hàng ngày, khiến nhiều người không hút thuốc cũng bị ảnh hưởng.

Tuyên truyền là chính: Hiện nay nhiều người chưa có ý thức tôn trọng cộng đồng và những quy định chung nơi công cộng nên cần tuyên truyền phổ biến cho mọi người tuân thủ tự giác thực hiện. Đây là biện pháp quan trọng nhất trước khi tiến hành xử phạt. Những nơi cấm hút thuốc nên bố trí phòng dành riêng cho người hút thuốc.

Đối với vấn đề cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cần quy định cụ thể những nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn và những nơi cấm hút thuốc lá nhưng cho phép có khu vực dành riêng cho người hút thuốc. Việc quy định cụ thể như thế sẽ thuận tiện trong tổ chức thực hiện cũng như khiến cho việc xử phạt dễ hơn. Ai vi phạm đều “không cãi được”. Ngoài ra, cũng cần quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định cấm hút thuốc lá của những người đứng đầu các địa điểm công cộng và họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu tổ chức triển khai không đúng.

Trong ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có công văn gửi các đơn vị cơ sở giáo dục trong cả nước về hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến 31/5. Trong đó Bộ yêu cầu các sở giáo dục đào tạo, các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chỉ đạo và tổ chức triển khai các hoạt động như: phổ biến và thực hiện nghiêm túc quy định xử phạt các hành vi hút thuốc ở nơi có quy định cấm: lớp học, nhà trẻ, nơi làm việc trong nhà tại các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục. Treo biển hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá” ở các hành lang, lớp học, phòng học và các phòng làm việc tại các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục. Đưa tiêu chuẩn không hút thuốc lá tại nơi làm việc, học tập vào tiêu chí đánh giá thi đua của cán bộ, giáo viên và học sinh.

Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe của người trực tiếp hút mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh tật khác đối với người hít phải khói thuốc, là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Ngoài ra, người hút thuốc còn có nguy cơ mắc các bệnh khác như: ung thư vòm, ung thư dạ dày, ung thư bàng quang… Người hút thuốc lá “thụ động” hoàn toàn có nguy cơ mắc các bệnh như người hút thuốc trực tiếp.

Hãy vì một xã hội không khói thuốc lá, vì sức khoẻ của chính bản thân ta và người thân xung quanh. Đó là thể hiện nếp sống có văn hóa của một người văn minh lịch sự. Để xây dựng một xã hội không khói thuốc lá rất cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, trong đó có tôi, có bạn và tất cả chúng ta./.

Vũ Lân

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất