Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 20/5/2012 4:22'(GMT+7)

Tăng cường ý thức phòng chống lao trong cộng đồng

Thầy thuốc Nhân dân PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Thầy thuốc Nhân dân PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Phóng viên: Một trong những khó khăn trong công tác phòng chống lao hiện nay là do số lượng đáng kể bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Suốt từ năm 1997 đến nay, có thể nói hoạt động công tác chống lao của Việt Nam rất tốt nhưng tỷ lệ bệnh nhân lao cứ đều đều, không thay đổi. Câu hỏi luôn được đặt ra là tại sao công tác chống lao rất tốt nhưng số người mắc bệnh lao lại không giảm chỉ có thể được trả lời bằng cách điều tra thực tế.

Con số đã điều tra cao hơn so với ước tính 1,6 lần, điều đó có nghĩa là còn rất nhiều bệnh nhân lao chưa được phát hiện. Ở bất kỳ quốc gia nào cũng chỉ phát hiện tối đa 70% ước tính, nếu ước tính có 100 người bị lao thì phát hiện khoảng 70 là thành công, chúng ta mới chỉ ước tính được 50-60%.

Phóng viên: Mỗi năm tại Việt Nam có hơn 30.000 người chết vì bệnh lao, ông đánh giá như thế nào về con số này?

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Đây con số ước tính, vì thực tế việc điều trị lao của chúng ta vượt xa chỉ tiêu thế giới đặt ra. Thế giới đặt ra là trong 100 người bị bệnh lao thì điều trị 85 người khỏi là rất cao, còn Việt Nam đã điều trị được 90 người khỏi tức là đạt được 90%, còn 10% là điều trị không đúng, người bệnh bỏ không điều trị và người bị bệnh lao chết.

Tỷ lệ chết do lao được điều trị xấp xỉ 3%. Trong những năm qua, nếu lấy tròn số cứ 100.000 người bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị thì có gần 3.000 người chết do lao. Thực tế cũng không hẳn là chết do lao, chúng ta cần phải hiểu rằng trong 100.000 người điều trị thì có thể chết do bất cứ nguyên nhân gì, ví dụ, bị tai nạn giao thông, tai biến mạch máu não hoặc bị bệnh lý khác chết nhưng vì trong quá trình điều trị lao thì cán bộ phòng chống lao vẫn phải báo cáo là họ đã chết và không theo dõi tiếp nữa.

Phóng viên: Hiện nay, bệnh lao vẫn là vấn đề liên quan đến sức khỏe toàn cầu, số người mắc và chết cao hơn, xuất hiện chủng lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc là mối lo cho tất cả các nước trên thế giới, xin cho biết rõ hơn về vấn đề này?

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Thuốc chống lao đã có từ nửa thế kỷ nay, và chúng ta chỉ dùng những thuốc đó nên dứt khoát xảy ra tình trạng kháng thuốc. Hơn nữa con người cũng tác động vào như bác sỹ kê đơn không đúng, không đủ liều, thuốc không đạt chất lượng, người bệnh tự mua thuốc để uống, uống nửa chừng thì tự nhiên sẽ làm cho vi khuẩn kháng nhanh hơn.

Hiện nay, theo điều tra của Chương trình chống lao quốc gia (đã điều tra 3 lần) về tình hình kháng thuốc cho thấy trong tỷ lệ lao kháng thuốc của Việt Nam thì khoảng 2,7% trong số những bệnh nhân lao mới xuất hiện, 19% đối với những người đã điều trị rồi và điều trị lại. Với cách tính như vậy thì chúng ta có khoảng 3.500-5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc.

Có 2 phương thức quản lý đối với đa kháng thuốc, thứ nhất là phải có kháng sinh đồ điều trị cho từng người một. Phương án này là khó khả thi vì không thể áp dụng cho tất cả mọi người. Phương án thứ hai là chọn ra được phác đồ có hiệu lực nhất dựa trên cách tính toán, xem xét vấn đề cụ thể của từng quốc gia. Việt Nam đang triển khai theo hướng này từ năm 2009, đã điều trị gần 1.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, đạt tỷ lệ khỏi khoảng 70%, trước đây, chỉ đạt 50%.

Tháng 3 vừa qua, WTO họp tại Geneva, Thụy Sỹ, đã đưa ra 1 khái niệm mới là lao “siêu kháng thuốc” và khái niệm “lao kháng tất cả các thuốc”. Hiện nay, Việt Nam chưa xuất hiên trường hợp nào như vậy, mới chỉ có 1 trường hợp lao siêu kháng thuốc đã được điều trị khỏi. Nếu lao đa kháng thuốc thất bại thì chắc chắn xuất hiện lao siêu kháng thuốc. Đây là khó khăn lớn mà chúng ta đang phải đối mặt.

Phóng viên: Xin ông cho biết những khó khăn và thách thức hiện nay trong công tác phòng chống lao đang phải đối mặt?

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Thứ nhất là không phải ai cũng biết về bệnh lao và thực trạng mắc lao hiện nay, mọi người vẫn nặng nề là lao khó chữa, dễ lây, người bị bệnh lao thì giấu bệnh không dám đi chữa, chữa không đến nơi đến chốn. Tất cả là do không có sự hiểu biết. Vì vậy chúng ta phải đẩy mạnh công tác truyền thông.

Bệnh viện tuyến trung ương hiện nay không quá tải vì ở tuyến tỉnh đã quản lý tốt bệnh nhân lao nhưng ở tuyến huyện lại chưa đủ điều kiện kể cả về vật chất lẫn nhân lực để quản lý tốt. Có những huyện chỉ có 1 y tá làm công tác chống lao, hoặc bác sỹ thì không đúng chuyên ngành được đào tạo. Do đó bệnh nhân lao chậm được phát hiện.

Phóng viên: Vậy chúng ta cần phải triển khai những biện pháp hiệu quả như thế nào để khống chế được tỷ lệ mắc và chết do bệnh lao?

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Chúng ta không nhìn rõ được bệnh lao vì nó lẩn khuất ở mọi nơi, lặng lẽ lây lan giữa người này với người khác. Nhưng lao không đáng sợ vì có triệu chứng chỉ điểm cho người ta biết để kiểm tra và điều trị sớm. Khi bị bệnh sẽ phát ra ngay vì xuất hiện những triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi… Hiện nay, chúng ta có hệ thống y tế chuyên khoa lao có thể phát hiện ra sớm bệnh và nếu phát hiện sớm sẽ được chương trình chống lao hỗ trợ như cấp thuốc miễn phí, điều trị đủ 6-7 tháng là khỏi, tỷ lệ không khỏi chỉ dưới 3%.

Để hạn chế tỷ lệ mắc lao, trước hết mỗi người phải tự bảo vệ sức khỏe của mình. Chắc chắn trong mỗi chúng ta đều có vi khuẩn lao, nhưng vấn đề vi khuẩn đó có lây bệnh không lại là một chuyện. Phụ nữ là đối tượng dễ lây bệnh lao nhất, nhất là trong điều kiện sinh con, nuôi con, mang thai, hoặc ở những người bị bệnh mãn tính khác như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, nhất là nhiễm HIV. Vì vậy việc bảo vệ sức khỏe cho mỗi cá nhân là rất quan trọng để giảm tối đa vi khuẩn lao có thể hoạt động./.

(Theo: Mai Chi/Cổng TTĐTCP) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất