Trong quá trình tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP) của MTTQ Việt Nam, vai trò và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân có vai trò rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy, chính nhân dân đã tích cực trong việc phát hiện tố giác và tố cáo những hành vi tham nhũng, những biểu hiện bất thường và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác minh, xem xét xử lý. Tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, người dân và Mặt trận các cấp đã tạo ra những cách làm hay và có hiệu quả cụ thể trong công tác quan trọng này.
Những cách làm thiết thực
Tại TP Hồ Chí Minh, MTTQ các cấp của thành phố đã phối hợp các tổ chức thành viên và hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân, Ban công tác Mặt trận cùng cấp vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên giám sát thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong quá trình tiếp dân, giải quyết hồ sơ hành chính theo yêu cầu của dân tại UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thông qua các hình thức: Phát phiếu để người dân góp ý, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến thông qua các hội nghị nhân dân định kỳ hoặc các hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo với đại diện các giới nhân dân… Ðiển hình: Phường Tây Thạnh, quận Tân Phú thực hiện thí điểm Ban công tác Mặt trận khu phố 4, khu phố 5 tiếp dân mỗi tuần một lần tại trụ sở khu dân cư, để tiếp nhận những ý kiến đóng góp của người dân liên quan đến cán bộ, công chức, đảng viên tại địa phương; quận 6 thực hiện công khai số điện thoại của lãnh đạo Ðảng ủy, UBND, công an, phường đội, hộp thư điện tử của MTTQ quận và các phường để người dân liên hệ, góp ý kiến trực tiếp. Ðáng chú ý, MTTQ quận 1 đã ký kết liên tịch với Ban chỉ huy Công an quận và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp về việc tổ chức khảo sát lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp đối với lực lượng công an trên địa bàn quận.
Thời gian qua, MTTQ tỉnh Bạc Liêu phối hợp các ban Ðảng của Tỉnh ủy thực hiện khá tốt công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, đơn vị. Qua đó, phát hiện một số trường hợp kê khai chưa đúng, chưa xác định giá trị tài sản kê khai và việc giải trình tài sản, thu nhập tăng thêm chưa đầy đủ. Từ đó đề nghị các cá nhân hoàn chỉnh việc kê khai theo đúng quy định. Nổi bật, MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp giám sát dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng và đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát phát hiện có một số tổ chức và cá nhân có dấu hiệu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy giám sát vụ việc tiêu cực của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu làm thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Cơ quan điều tra, tố tụng đã khởi tố và bắt giam ba đội trưởng của Trung tâm về tội "lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản". Riêng Giám đốc Trung tâm bị đình chỉ công tác và khai trừ Ðảng.
Thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của mình, MTTQ các cấp TP Cần Thơ và các tổ chức thành viên đã tổ chức 26 cuộc phản biện xã hội và góp ý kiến vào các nội dung lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, địa phương cũng như đời sống của nhân dân. Ngoài ra, MTTQ các cấp còn tích cực tham gia góp ý, phản biện đối với nhiều dự thảo quyết định, kế hoạch, quy hoạch, dự án do UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND gửi đến. Hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp đã góp phần nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, góp phần ngăn ngừa hiện tượng "lợi ích nhóm", "tham nhũng chính sách"...
Ðáng chú ý, tại tỉnh An Giang đã phát huy rất tốt hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng. Ðược biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 156 Ban Thanh tra nhân dân, 13 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (143 Ban thanh tra nhân dân đảm nhận nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng) tại xã, phường, thị trấn với 1.643 thành viên. Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh từng bước phát huy hiệu quả hoạt động, đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát phù hợp, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và hỗ trợ của chính quyền địa phương, tham gia giám sát đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong thực hiện các nội dung dân chủ cơ sở, như: Thực hiện các nội dung dân biết, dân bàn, dân thực hiện và kiểm tra, giám sát; thực hiện giám sát thái độ, tác phong và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức tại văn phòng một cửa, giám sát các công trình phúc lợi ở cơ sở, việc quản lý, sử dụng nguồn đóng góp của nhân dân... Kết quả trong hai năm qua, giám sát 2.584 vụ, việc được quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong đó giám sát hơn 1.224 công trình phúc lợi có sự tham gia đóng góp của nhân dân. Qua giám sát, đã thực hiện 284 kiến nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thẩm quyền khắc phục, xử lý 265 vụ, việc còn sai sót, hạn chế về chất lượng công trình, nhất là thu hồi cho Nhà nước và nhân dân số tiền 248 triệu đồng... tạo niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước.
Quyết tâm nâng cao hiệu quả Phòng, chống tham nhũng, lãng phí
PCTNLP là một công việc, quá trình phức tạp, gian nan vào muốn thật sự hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của cả hệ thống chính trị vào từng người dân. Ðể đạt mục tiêu đó, MTTQ các cấp cần nỗ lực khắc phục những khó khăn, hạn chế đang tồn tại và gây cản trở không nhỏ trong quá trình thực hiện. Ðó là, mối quan hệ phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các cơ quan Ðảng đối với công tác PCTNLP chưa chặt chẽ. Trong đó, công tác phối hợp tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận xã hội giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan của Ðảng đôi lúc chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát những hành vi tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả chưa cao; các vụ việc tham nhũng chủ yếu thông qua đơn, thư khiếu nại - tố cáo, báo chí phản ánh hoặc cơ quan chuyên môn thanh tra, kiểm tra mới phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn kéo dài, tình trạng nhũng nhiễu, vô cảm, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn diễn ra một số nơi và một số ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Một số đơn vị sử dụng ngân sách, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, chưa đúng mục đích; phối hợp chưa đồng bộ trong công tác giám sát những vụ việc giải quyết của chính quyền các cấp có liên quan tham nhũng, lãng phí. MTTQ Việt Nam các cấp chưa thật sự vào cuộc quyết liệt đối với công tác PCTNLP; năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác Mặt trận còn hạn chế.
Các cấp Mặt trận cần xác định đấu tranh PCTNLP là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong tham gia xây dựng Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ðó không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của mình. Ðể thực hiện được quyền và trách nhiệm đó, cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội phải quan tâm tự học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ kiến thức pháp luật, ý thức trách nhiệm trong công tác phối hợp đấu tranh PCTNLP. Cần khắc phục biểu hiện vô cảm, nể nang, né tránh trước các biểu hiện dù nhỏ nhất của những hành vi tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức trong phối hợp tuyên truyền, giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTNLP trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Mặt trận các cấp cần khơi dậy trong nhân dân tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát động phong trào, xây dựng các mô hình thực hành tiết kiệm trong sản xuất, trong tiêu dùng của từng cá nhân, từng gia đình trước hết là cán bộ Mặt trận, đoàn thể, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội. Ðồng thời, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền ban hành cơ chế để đoàn viên, hội viên và nhân dân phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp pháp luật về tham nhũng, hối lộ, lãng phí và có cơ chế hữu hiệu, khả thi nhằm bảo vệ người phát hiện, tố giác…
Theo Nhân dân