Thứ Bảy, 27/7/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Sáu, 10/1/2020 10:58'(GMT+7)

Huyện Lập Thạch: Mô hình sản xuất liên kết “4 nhà” trong xây dựng nông thôn mới

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH “4 NHÀ”

Năm 2011, khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn do là huyện miền núi, thu nhập bình quân đầu người thấp, cơ sở vật chất, hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đại bộ phận người dân khi đó chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích do chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại.

Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện Lập Thạch đã tập trung chỉ đạo mô hình sản xuất liên kết 5 nhà trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đến nay, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với một số cây trồng chủ lực như: bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, ớt, cà, khoa tây, thanh long ruột đỏ… Hằng năm, tổng sản lượng lương thực bình quân đạt từ 47-49 nghìn tấn. Trong đó, một số cây trồng chính ổn định về diện tích và không ngừng tăng năng suất do đầu tư thâm canh và ứng dụng những khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất.

Hiệu quả “4 nhà” trong xây dựng nông thôn mới tại Lập Thạch được thể hiện rõ nét trong Dự án trồng Thanh long ruột đỏ và phát triển đàn bò sữa.

Dự án trồng Thanh Long ruột đỏ được triển khai thí điểm với quy mô 100 ha tại các xã Vân Trục, Ngọc Mỹ, Xuân Hòa, Lập Thạch đã có thành công bước đầu, hiệu quả kinh tế cao cho người dân với thu nhập bình quân đạt 350 triệu đồng/ha/năm, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thanh Long ruột đỏ là loại cây trồng có giá trị dinh dưỡng cao được người tiêu dùng ưa chuộng, tuy nhiên do quy mô sản xuất còn ít, phương thức sản xuất vẫn mang tính truyền thống nên hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng.

Xuất phát từ thực tế trên, huyện Lập Thạch đã thành lập Hội thanh long ruột đỏ để trực tiếp quản lý dự án, đồng thời tăng cường sự phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Tháng 12/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu tập thể cho thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch - đánh dấu bước phát triển mới, tạo đà để sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch có cơ hội vươn ra các thị trường bên ngoài. Cùng với đó, huyện đã phối hợp với Công ty phân bón Quế Lâm Phương Bắc triển khai đầu tư xây dựng mô hình trồng thanh long sạch bằng phân bón vi sinh. Công ty bao tiêu sản phẩm, cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu theo phương thức trả chậm, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với mức giá cao hơn 20% so với giá thị trường. Nhờ đó, đã tạo cơ sở vững chắc cho nông dân yên tâm sản xuất.

Cùng với lĩnh vực trồng trọt, huyện Lập Thạch cũng tăng cường liên kết 4 nhà trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt là trong phát triển đàn bò sữa tại các xã, thị trấn: Thái Hòa, Liên Hòa và Hoa Sơn. Huyện đã phát huy hiệu quả những cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện, xã trong việc hỗ trợ chăn nuôi bò sữa. Đến nay, toàn huyện có 57 hộ tham gia chăn nuôi bò sữa với tổng đàn bò 239 con, huyện đã phối hợp với công ty sữa Cô Gái Hà Lan xây dựng một điểm thu mua sữa tươi tự động đạt tiêu chuẩn Châu Âu với công suất 6 tấn/ngày (ký hợp đồng thu mua với từng hộ gia đình trong thời gian ổn định 5 năm liên tục). Thực tế, chăn nuôi bò sữa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi lợn ở một số địa phương như xã Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Hợp Lý, Bắc Bình…. đã cho hiệu quả kinh tế cao và phát triển theo xu hướng sản xuất hàng hóa, góp phần làm cho khối lượng, giá trị, tỷ trọng ngành chăn nuôi đang ngày càng tăng lên. Huyện Lập Thạch đã định hướng hợp tác với các doanh nghiệp để xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Liên bang Nga.

Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện Lập Thạch đã thay đổi rõ rệt, kinh tế ngày càng phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm.

100% các xã đều có khu vui chơi, giải trí; 214/214 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn từ 500m2 trở lên. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, các chính sách xã hội, an sinh xã hội được đảm bảo, có 63/66 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2018, có 85,8% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 78,8% thôn văn hoá; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,89%; giá trị bình quân đầu người ước đạt 57,7 triệu đồng/người/năm. An ninh nông thôn ổn định, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Đến nay, huyện có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Lập Thạch phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2019.

PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG NHANH, BỀN VỮNG, AN TOÀN

Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình sản xuất liên kết “4 nhà” ở Lập Thạch còn gặp phải một số khó khăn như: do là huyện miền núi, nên còn gặp tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh  mún, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, phần lớn hợp đồng giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn thiếu tính bền vững, làm cho người nông dân không yên tâm đầu tư sản xuất. Trong chuỗi các giá trị nông sản, đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn bất cập, dẫn đến việc giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào việc thu mua nông sản để xuất bán chứ chưa chú trọng đến việc đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản. Thêm vào đó, trên thực tế, sự chủ động phối hợp giữa Nhà nước với Nhà khoa học, doanh nghiệp còn lỏng lẻo, hạn chế.

Từ thực tiễn xây dựng mô hình sản xuất liên kết “4 nhà” ở Lập Thạch, có thể thấy, để có được sự liên kết bền chặt của 4 nhà, cần người nông dân sản xuất ra sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, số lượng một cách ổn định; phía doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm theo hợp đồng, cung cấp các thông tin tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để người nông dân đáp ứng. Nhà nước phải có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nông dân và đồng thời tạo ra các mối liên kết giữa các nhà khoa học và người nông dân được bền chặt, giúp người nông dân tạo ra các nguồn cây giống, con giống đảm bảo chất lượng và năng suất cao.

Để tiếp tục mở rộng liên doanh, liên kết 4 nhà theo hướng nhanh, bền vững, an toàn tạo tiền đề cho xây dựng nông thôn mới bền vững, trong thời gian tới, Lập Thạch tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, giúp huyện triển khai thực hiện các chủ trương cải tạo, khai thác tiềm năng đất đồi, rừng; quy hoạch và phát triển các vùng trồng trọt, sản xuất kinh doanh hàng hóa, vùng chăn nuôi thành quy mô lớn; trong đó nhân rộng các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, thực hiện tốt chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất Thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ tại huyện Lập Thạch. Đẩy mạnh thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào hệ thống tiêu thụ ở thị trường lớn (các trung tâm đô thị lớn, các khu du lịch, khu công nghiệp tập trung và hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài).

Thứ ba, tập trung tuyên truyền các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước, tạo điều kiện và hướng dẫn nhân dân chuyển chăn nuôi từ khu dân cư ra khu vực đồi rừng để sản xuất quy mô lớn và bảo vệ môi trường nông thôn.

Thứ tư, quy hoạch và phát triển các vùng trồng trọt hàng hóa, xây dựng các mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp để nhân ra diện rộng như trông thử nghiệm một số loại cây như: cam không hạt, nho, chanh leo, cây dược liệu.... tiến tới hình thành vùng chuyên canh cây trồng chủ lực cung cấp nông sản hàng hóa cho thị trường.

Phát triển trang trại đồi rừng cần đưa vào các giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, ưu tiên trồng các cây trồng bản địa, kết hợp trồng dược liệu để tạo ra sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. 

Nam Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất