Đó là chủ đề của Hội thảo - một trong những hoạt động trong
chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ và đón
nhận Bằng xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia "Trận địa pháo
phòng không Lam Hạ giai đoạn 1965 - 1972".
Ngày 2/10, tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và Quỹ "Mãi mãi tuổi hai mươi" tổ chức Hội thảo khoa học "Huyền thoại mười nữ liệt sỹ dân quân pháo phòng không Lam Hạ". Đây là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia "Trận địa pháo phòng không Lam Hạ giai đoạn 1965 - 1972"
Theo báo cáo đề dẫn của Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, xã Lam Hạ nay là phường Lam Hạ thuộc thành phố Phủ Lý trong những năm kháng chiến chống Mỹ là một trọng điểm giao thông quan trọng trên tuyến đường huyết mạch từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch qua Phủ Lý cũng như cuộc sống của nhân dân Phủ Lý và các vùng lân cận, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của đế quốc Mỹ, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập ngày 5/8/1965. Đây là một trong những đơn vị dân quân phòng không đầu tiên được thành lập trên miền Bắc.
Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ có 87 thành viên với một trung đội nam và một trung đội nữ, trong đó trung đội nữ có 24 thành viên với nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Sau các trận chiến đấu ác liệt với không quân Mỹ, 10 cô gái tuổi đời từ 16 đến 24 trong trung đội nữ đã anh dũng hy sinh tại các trận địa. Chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ gây xúc động lớn không những vì hành động anh hùng lúc "nhằm thẳng quân thù mà bắn" mà còn vì tinh thần tự nguyện xung phong và ý chí bất khuất của họ.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở Trung ương và tỉnh Hà Nam đã tập trung thảo luận về một số nội dung chính như: bối cảnh lịch sử và ý nghĩa sâu sắc từ tấm gương chiến đấu anh dũng của 10 nữ pháo thủ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ; các vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của đền thờ 10 nữ dân quân và trận địa pháo phòng không Lam Hạ; tôn vinh những chiến công và sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Lam Hạ trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, tiếp nối và phát huy truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam; đại đội pháo phòng không dân quân Lam Hạ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua các nhân chứng lịch sử; sự phối hợp của lực lượng dân quân trong thế trận phòng không nhân dân; thờ phụng, tôn vinh 10 nữ dân quân Lam Hạ gắn với tín ngưỡng thờ nữ thần ở Hà Nam…/.
Nguyễn Chinh/TTXVN