Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh Nghệ An có
thêm 12 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 117 xã
và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, Nghệ An có 2 xã thuộc
huyện 30a là xã Thạch Giám và xã Tam Thái của huyện Tương Dương đạt
chuẩn nông thôn mới. Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến hết năm 2016 có 34/34 xã
và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới như kế hoạch đã đề ra.
Để thực hiện mục tiêu trên, Nghệ An tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực, sự đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, nhân dân, kết hợp với nguồn ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để thực hiện chương trình. Nghệ An cũng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách từ tỉnh đến cơ sở; các địa phương tùy tình hình thực tế để ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các nội dung chương trình. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả như trồng chanh leo xuất khẩu, trồng cam, chăn nuôi trâu bò hàng hóa, trồng rừng, thủy sản… góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Nghệ An cũng thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch và các xã có phong trào giao thông nông thôn khá.
Hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An đang gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới ở các xã thuộc 11 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Trong khi số xã đạt chuẩn nông thôn mới của 9 huyện đồng bằng là 83/228 xã (chiếm 36,4%) thì 11 huyện miền núi chỉ đạt 34/203 xã (chiếm 16,7%). Để giải quyết khó khăn này, tỉnh Nghệ An chỉ đạo chính quyền địa phương tại các xã miền núi cần tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở từng cấp thôn, xóm, bản để tạo sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân.
Tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể trong việc lồng ghép các nguồn lực, dự án góp phần xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cần có cơ chế đặc thù để xây dung huyện Nam Đàn, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước.
Theo đánh giá, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo được phong trào thi đua sâu rộng trong toàn tỉnh với nhiều cách làm, mô hình hiệu quả, sáng tạo, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp nông thôn tỉnh Nghệ An ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên. Hiện nay, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân toàn tỉnh Nghệ An tăng cao từ 3,64 tiêu chí/xã năm 2010 lên 12,73 tiêu chí/xã năm 2016; có 43/50 xã khó khăn đã đạt 8 tiêu chí trở lên./.
Tá Chuyên/TTXVN