Thứ Ba, 8/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 17/2/2012 20:9'(GMT+7)

Iran sẽ “mặc cả” bằng thành tựu hạt nhân mới

Ông Ahmadinejad trong lễ công bố các thành tựu hạt nhân mới. (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Ahmadinejad trong lễ công bố các thành tựu hạt nhân mới. (Ảnh: Tân Hoa xã).

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 15/2 đã “khoe” những thành tựu hạt nhân mới nhất của đất nước bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây và căng thẳng gia tăng với Israel.

Các nhà phân tích tin rằng, trong hoàn cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Tehran và phương Tây, việc công bố những tiến bộ trong chương trình hạt nhân của Iran sẽ làm mối căng thẳng thêm leo thang, và cung cấp lý do cho phương Tây và Israel thúc đẩy thêm lệnh trừng phạt và các biện pháp cấm vận hà khắc hơn đối với quốc gia Hồi giáo này.

Bên cạnh đó, thông báo mới đây của Tổng thống Ahmadinejad sẽ làm lu mờ cuộc đàm phán sắp tới về vấn đề hạt nhân của Iran giữa Tehran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) (dự kiến diễn ra vào 21/2), cũng như các cuộc đàm phán hạt nhân với nhóm G5+1 (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an cộng với Đức).

Những “thành tựu” hạt nhân

Trong một buổi lễ mới đây tại thủ đô Tehran, ông Ahmadinejad tuyên bố, Iran đã đạt được những thành tựu hạt nhân mới, trong đó bao gồm việc nạp các thanh nhiên liệu hạt nhân được sản xuất trong nước cho một lò phản ứng nghiên cứu tại Tehran, cũng như ra mắt thế hệ máy ly tâm mới đã được kích hoạt tại cơ sở hạt nhân ở Natanz hôm 15/2 vừa qua để đẩy nhanh việc làm giàu uranium.

Ông Ahmadinejad cho biết, Iran đã trang bị thêm 3.000 máy ly tâm mới cho việc làm giàu uranium của mình, nâng tổng số máy ly tâm đang hoạt động hiện nay lên 9.000 chiếc.

Ông Ahmadinejad cũng yêu cầu các quan chức của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) nghiên cứu xây dựng thêm 4 lò phản ứng hạt nhân ở 4 phía của đất nước để phục vụ cho viêc nghiên cứu và sản xuất thuốc phóng xạ.

Ngoài ra, ông cho biết, Iran sẽ bắt đầu sản xuất “bánh vàng” mới, một loại bột cô đặc uranium có được qua quá trình nghiền và chế biến quặng uranium, bắt đầu từ ngày 20/3.

Căng thẳng leo thang

Mặc dù Tổng thống Ahmadinejad nhấn mạnh rằng, Iran sẵn sàng chia sẻ bí quyết hạt nhân của mình với các thành viên của IAEA, tuy nhiên, việc Iran thông báo những tiến bộ hạt nhân vào thời điểm nhạy cảm này không những làm tăng nghi ngờ của phương Tây và Israel, mà còn làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân, cũng như cung cấp nhiều lý do để phương Tây và Israel áp đặt lệnh trừng phạt chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ngoài ra, việc “phô trương” những tiến bộ hạt nhân sẽ không có lợi cho các cuộc đàm phán sắp tới giữa Iran và phái đoàn IAEA, và Iran có thể bị coi như “một con cừu đen” trong mắt các cường quốc hạt nhân khác của thế giới.
Tháng 11/2011, IAEA đã đưa ra một báo cáo, trong đó cáo buộc Iran đã tiến hành "tổ chức có hệ thống" hoạt động "cụ thể cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân" ít nhất cho đến cuối năm 2003.

Bản báo cáo trên đã gây ra một cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran và tiếp tục làm căng thẳng quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Tehran và phương Tây. Kết quả là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Iran.

Sau khi EU quyết định áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ và trừng phạt kinh tế Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1/2 cũng đã ra lệnh đóng băng tài sản của Iran tại Mỹ, bao gồm cả tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran.

Giữa lúc căng thẳng leo thang, IAEA cho biết, một cuộc họp giữa các cơ quan giám sát hạt nhân Liên Hợp Quốc và Iran về chương trình hạt nhân của nước này sẽ diễn ra tại Tehran từ ngày 21-22/2.

Quyết định trên được đưa ra sau khi đoàn đại biểu cấp cao IAEA đến thăm Iran vào cuối tháng Giêng vừa qua - một chuyến thăm mà phương tiện truyền thông Iran gọi là "tích cực và xây dựng".

Tuy nhiên, trong những ngày qua, Israel đã cáo buộc Iran âm mưu tấn công khủng bố ở các quốc gia khác nhau, một cáo buộc đã bị Tehran lên tiếng phản đối.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 15/2 đã lên án và gọi Iran là “nước xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố lớn nhất thế giới".

Ông Netanyahu cáo buộc Teheran "phá hoại sự ổn định trên thế giới" và nói rằng "nước này tấn công nhân viên ngoại giao vô tội trên toàn thế giới", đề cập đến các cuộc tấn công bằng bom hôm 13/2 nhằm vào các nhân viên của Israel tại Ấn Độ và Gruzia, làm bị thương 1 phụ nữ, cũng như các vụ đánh bom liên tiếp ở Bangkok (Thái Lan).

Các nhà quan sát cho rằng, không cần biết những cáo buộc trên có đúng sự thật hay không, nhưng hình ảnh của Iran trên trường quốc tế tiếp tục bị hoen ố.

Ông Ahmadinejad thăm một cơ sở làm giàu uranium .(Ảnh: Tân Hoa xã).

Tăng khả năng “mặc cả” trong các cuộc đàm phán hạt nhân

Liên tiếp phải chịu những lệnh trừng phạt của phương Tây, Iran gần đây cho biết họ muốn khởi động lại cuộc đàm phán hạt nhân với G5+1 vốn đã bị bế tắc hơn một năm qua.

Ngày 10/2, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Akbar Salehi cho biết, các cuộc đàm phán với G5+1 có thể khởi động lại trong tương lai gần, và rằng Iran đang cố gắng làm sang tỏ một số vấn đề còn không rõ ràng.

Các quan chức Iran nhắc lại rằng, Tehran đồng ý khởi động lại cuộc đàm phán hạt nhân với các bên liên quan, hợp tác với IAEA, và tổ chức một vòng đàm phán mới có "hiệu quả" về chương trình hạt nhân của mình.

Iran cũng cho biết, ngày 15/2, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Saeed Jalili đã trả lời bức thư của quan chức phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton về việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân gửi đến Tehran vào tháng 10/2011.

Ông Jalili cho biết trong bức thư rằng, Iran hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán và rằng "sự thành công của các cuộc đàm phán phụ thuộc vào phản ứng mang tính xây dựng của G5+1, cộng với sáng kiến của nước Cộng hoà Hồi giáo".

Các nhà phân tích tin rằng, với chiến thuật trả lời lá thư của bà Ashton và công bố thành tựu hạt nhân của mình, Iran đồng thời nhằm mục đích đạt được một số sức mạnh trong cuộc “mặc cả” tại các vòng đàm phán hạt nhân tiếp theo, nếu các cuộc đàm phán được tổ chức. Và rằng, Tehran sẵn sàng trở lại bàn đàm phán không phải do áp lực từ phương Tây, mà là sự tự nguyện của Tehran.

Các chuyên gia phân tích cũng lưu ý rằng, việc giải quyết những tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran sẽ phụ thuộc vào kết quả chuyến thăm sắp tới của đoàn đại biểu IAEA và các vòng đàm phán tiếp theo giữa Tehran và nhóm G5+1./.

(Theo: Mạnh Hùng/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất