Thứ Hai, 25/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 26/9/2016 8:43'(GMT+7)

Khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” để góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc

Vẻ đẹp của quận Cầu Giấy, Thủ đô Hà Nội, với những tòa nhà, căn hộ cao cấp hiện đại lung linh trong đêm. Ảnh minh họa: TTXVN.

Vẻ đẹp của quận Cầu Giấy, Thủ đô Hà Nội, với những tòa nhà, căn hộ cao cấp hiện đại lung linh trong đêm. Ảnh minh họa: TTXVN.


Lần đầu tiên Đảng ta khẳng định phải “khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”

Tư duy vốn là một phạm trù triết học dùng để chỉ những hoạt động của tinh thần, mang những cảm giác của con người để cải tạo thế giới thông qua hoạt động vật chất, làm cho con người có nhận thức đúng đắn, khách quan về sự vật hiện tượng và ứng xử tích cực với nó. Người có chỉ số thông minh càng cao thì tư duy càng sâu sắc, cách nhìn nhận vấn đề, giải quyết vấn đề càng thông minh, sáng tạo và mang lại hiệu quả tích cực.

Tự thân chữ “tư duy” vốn mang hàm ý tích cực, còn chữ “nhiệm kỳ” với hàm ý chỉ một thời gian nhất định, mang nghĩa trung tính. “Nhiệm kỳ” gắn với nhiệm kỳ đại hội của các cấp ủy Đảng và các cấp hội đồng nhân dân, thường có thời hạn là 5 năm. Tuy vậy, khi gán ghép chữ “tư duy” và “nhiệm kỳ” thành cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” thì nó không còn mang nghĩa thông thường, mà được hiểu với ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn.

Không chỉ người dân xì xào bàn tán lúc “trà dư tửu hậu” hay các chuyên gia, nhà khoa học bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở, lo lắng trên công luận, mà lần đầu tiên, “tư duy nhiệm kỳ” chính thức được “điểm mặt, chỉ tên” tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Trong mục XV “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, ở tiểu mục “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”.

Như vậy, “tư duy nhiệm kỳ” đã được “định danh” và “chính thống hóa” trong một văn kiện của Đảng, chứng tỏ điều đó không thể xem thường và buộc chúng ta, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên mà trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, phải suy nghĩ nghiêm túc, thấu đáo về những hệ lụy, tác hại ghê gớm của “tư duy nhiệm kỳ” đã gây ra trong thời gian qua.

“Tư duy nhiệm kỳ” thể hiện ở nhiều khía cạnh, góc độ, trên cả phương diện kinh tế, chính trị, xã hội; xuất hiện ở nhiều chủ thể, đối tượng với quy mô, tầm mức, cấp độ khác nhau. “Tư duy nhiệm kỳ” có thể ẩn náu dưới nhiều hình thức tinh vi, nhưng lại dễ dàng nhận diện bởi những hệ quả tiêu cực của nó bộc lộ ra trong cuộc sống.

Từ tầm nhìn hạn hẹp, ngắn ngủi…

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của “tư duy nhiệm kỳ” là tầm nhìn hạn hẹp trong ban hành chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, cục bộ, mà không tính đến lợi ích lâu dài, toàn cục.

Những năm gần đây, ngành nào, lĩnh vực nào, địa phương nào cũng đua nhau làm quy hoạch. Do không có “nhạc trưởng” chỉ huy chung, nên khi quy hoạch, ngành không liên kết với tỉnh, tỉnh có lúc cũng làm quy hoạch tùy tiện. Quy hoạch quá nhiều đến mức lạm phát. Trong tổng số hơn 18.000 quy hoạch các loại ở các cấp hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, trong khi rất nhiều bản quy hoạch không tương xứng với số tiền, nguồn lực bỏ ra, thì cũng không ít quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi đã gây ra lãng phí nguồn lực chung của đất nước.

Một ngành kinh tế khác làm quy hoạch tràn lan, xây dựng khắp nơi từng được các chuyên gia lên tiếng cảnh báo nhiều lần, nhưng vẫn bị bỏ ngoài tai, đó là ngành thép. Cách đây 7 năm (2009), mặc dù Hiệp hội Thép Việt Nam đã có cảnh báo 32 dự án sản xuất gang thép nằm ngoài quy hoạch, nhưng Bộ Công Thương vẫn đành “bất lực” vì có tới 24 dự án đã được các tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đáng nói là trong số đó có nhiều dự án công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, dễ gây ô nhiễm môi trường, năng suất sản lượng thấp, nhưng vẫn được địa phương chấp thuận đầu tư. Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trăn trở: “Nhà máy thép trải khắp từ Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ đến Hà Tĩnh. Gang thép là công nghiệp ô nhiễm, phải dồn lại để xử lý nước, khí… nhưng quy hoạch đã bị phá vỡ hết”. Trong khi đó, việc “ưu đãi” nhiều về cơ chế, chính sách cho Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư xây dựng nhà máy thép ở Hà Tĩnh nhưng nhà máy này đã gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng ở 4 tỉnh miền Trung-như theo nhiều chuyên gia nhận định-đó là điển hình của biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ” không chỉ của lãnh đạo địa phương này, mà còn là “tư duy nhiệm kỳ” của những người có trách nhiệm của các ngành liên quan ở Trung ương.

Cũng xuất phát từ “tư duy nhiệm kỳ” mà thời gian qua, nhiều địa phương đã rộ lên phong trào xây dựng nhà máy xi măng, nhà máy đường, cảng biển, sân bay, sân golf... Ví như gần đây, hai tỉnh miền núi Tây Bắc là Lai Châu và Lào Cai mong muốn được xây dựng sân bay tại địa phương mình khiến dư luận không khỏi băn khoăn, nghi ngại. Tháng 3-2016, thông tin từ Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, trong tổng số 22 cảng hàng không hiện do ACV quản lý, chỉ có Sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang hoạt động kinh doanh có lãi, còn lại các sân bay khác chỉ hoạt động công suất từ 15-40% và cơ bản đều thua lỗ. Tại sao nhiều địa phương muốn xây dựng sân bay, cảng biển vốn tiêu tốn nguồn kinh phí “khổng lồ”? Bởi những công trình đó có thể xin được nhiều nguồn lợi mang về cho địa phương, trong đó có phần lợi ích của những người tham gia quyết định, phê duyệt dự án trong nhiệm kỳ công tác của mình.

Nói về “tư duy nhiệm kỳ” trong phát triển kinh tế thì không thể không nhắc đến chuyện nhiều địa phương đua nhau “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào địa phương mình. Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngày càng có nhiều dự án FDI trong các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào nước ta, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang thép…“mọc lên” ở các địa phương. Trong khi đó, 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, 80% có công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao. CIEM cảnh báo rằng, nếu tiếp tục chạy theo tăng trưởng “nóng” bằng việc thu hút các doanh nghiệp FDI như vậy sẽ gây ra nhiều hậu họa cho môi trường và tác động xấu đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Một trong những biểu hiện đốt cháy giai đoạn của “tư duy nhiệm kỳ” thời gian gần đây là nhiều địa phương phát triển “nóng” về xây dựng nông thôn mới. Theo ông Hồ Xuân Hùng, cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, do chạy theo thành tích nên không ít địa phương huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán, để lại hậu quả lớn. Báo cáo mới đây của Chính phủ cho biết, đến nay con số nợ đọng xây dựng cơ bản của 48 tỉnh là hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là những tỉnh khó khăn. Còn nhớ cách đây hơn mười năm về trước, tỉnh miền núi Hà Giang vì phát triển “đại công trường xây dựng” quá nóng khiến ngân sách Trung ương phải “cứu giải” bằng cách cho vay (cho ứng trước ngân sách các năm sau) để địa phương này trả nợ. Đây là biểu hiện nổi cộm của “tư duy nhiệm kỳ” của lãnh đạo tỉnh Hà Giang thời điểm đó và cũng là lời cảnh báo cho các địa phương xây dựng nông thôn mới hiện nay đừng đi theo “vết chân” như vậy!

Điều đáng lo ngại nữa là trong nhiều năm qua, cũng bởi “tư duy nhiệm kỳ” dẫn dắt mà hầu hết các địa phương tính chỉ số tăng trưởng GDP thiếu khoa học, mỗi nhiệm kỳ đại hội là một lần GDP tăng trưởng cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Trong nhiệm kỳ Đại hội 2011-2015, GDP bình quân của nước ta chỉ đạt 5,91%, nhưng đa số các tỉnh đều báo cáo có mức tăng trưởng GDP cao hơn, thậm chí có tỉnh tăng GDP gấp rưỡi mức tăng trưởng GDP của quốc gia. Nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng: Dữ liệu, thống kê GDP không đáng tin cậy sẽ không thể có cơ sở khoa học để tính toán, hoạch định chính sách phát triển đúng đắn. Chạy theo GDP tỉnh sẽ đẩy hệ thống các thiết chế của Việt Nam lún sâu thêm vào tình trạng cát cứ, manh mún, từ đó ngân sách và các nguồn lực quốc gia bị phân bổ và sử dụng một cách dàn trải, kém hiệu quả, thiếu công bằng, gây lãng phí tài sản Nhà nước và nhân dân!

Đến nhận định chủ quan, chính sách chưa khả thi

Một biểu hiện khác của “tư duy nhiệm kỳ” là có lúc, có nơi còn chủ quan khi nhận định, đánh giá tình hình, đề ra chính sách nhưng thiếu tính khả thi do thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, chưa đủ nguồn lực để thực hiện; hoặc chưa tiên lượng, thấy được những khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện, nhìn tương lai chỉ “toàn màu hồng”, thậm chí mà có phần “lạc quan thái quá”.

Chẳng hạn, cách đây 11 năm, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2005-2010 đã từng xác định phấn đấu đến năm 2010 sẽ xây dựng thị trấn Việt Quang của huyện Bắc Quang trở thành thị xã. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của thị trấn này chưa thể đáp ứng đủ tiêu chí nên mục tiêu đó vẫn chỉ dừng lại trên nghị quyết. Cách đây hai năm, ngày 11-7-2014, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang tiếp tục ban hành Nghị quyết số 132/NQ-HĐND, thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bắc Quang để thành lập thị xã Việt Quang trực thuộc tỉnh Hà Giang. Thế nhưng, đến thời điểm này, đã hơn hai năm trôi qua, thị xã Việt Quang vẫn chưa được cấp trên công nhận, nên “danh tính” thị xã này chỉ có giá trị... trên Nghị quyết của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015! 

Cũng xuất phát từ nhận định có phần chủ quan và chưa thấy hết được những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đại hội Đảng, suốt 4 nhiệm kỳ Đại hội Đảng (từ Đại hội VIII đến Đại hội XI), Đảng ta đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, việc đề ra mục tiêu này là thiếu tính khả thi vì trước đó, chúng ta chưa xác định được những tiêu chí cụ thể để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do vậy, Đại hội XII của Đảng đã xác định theo hướng “mềm” hơn đó là: Sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với những tiêu chí rõ ràng, cụ thể.

Nghiêm túc nhắc lại điều này để thấy rằng, nếu không có thái độ khách quan, nhận thức khoa học và phản ánh đúng tình hình thực tiễn để đề ra mục tiêu, phương hướng, chủ trương, giải pháp phù hợp, thì không chỉ có cấp vi mô bị “tư duy nhiệm kỳ” chi phối, mà đôi khi cấp vĩ mô cũng có thể mắc lỗi “tư duy nhiệm kỳ” trong việc ban hành chủ trương, chính sách, luật pháp.

Thiện Văn/QĐND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất