(TG) - Ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát
triển cho rằng cần phải có một mô hình, công cụ truyền thông hiệu quả,
một môi trường, một cộng đồng khuyến khích việc tham gia vào góp ý chính
sách.
Ngày 11/3, tại Hà Nội, Ban điều phối dự án Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát
triển được sự tài trợ của Chính phủ Canada thông qua Bộ Ngoại giao,
Thương Mại và Phát triển (DFATD) đã tổ chức Lễ khởi động Dự án “Hợp tác
truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế”.
Hiện nay, sự giao tiếp giữa cơ quan nhà nước và người dân trong xây dựng
chính sách hiện chưa hiệu quả, chưa tương xứng với sự phát triển của
công nghệ và truyền thông, thêm vào đó các ý kiến của người dân còn bị
phân tán chưa thể thống kê, đánh giá một cách khoa học. Vì thế, việc khởi động sẽ khai thác các lợi thế của truyền thông để phục vụ cho
mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và
giám sát thực thi chính sách tại Việt Nam.
Theo đó, chuỗi hoạt động của dự án sẽ tập chung vào xây dựng một “Kênh
chính sách,” tạo ra môi trường sinh hoạt chính sách trực tuyến đồng thời
cung cấp một bộ công cụ lấy ý kiến công chúng.
Bên cạnh đó, Ban dự án sẽ tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng
phân tích chính sách, tổ chức các phiên đối thoại chính sách, phân
tích-truyền thông cho các dự thảo chính sách, kết nối các bên liên quan…
với kỳ vọng góp phần giải quyết những thực trạng nêu trên.
Ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát
triển cho biết Dự án sẽ kéo dài trong 4 năm với sự tham gia của nhiều chuyên
gia về chính sách và truyền thông trong nước và quốc tế./.
AT