Từ khuyến mại gửi tiền
Trái hẳn với những năm trước đây, muốn vay tiền ngân hàng phải "lạy lục các cửa", nay khách hàng đã trở về đúng nghĩa vai "thượng đế". Để vừa giữ được chân khách lại vừa áp dụng lãi suất huy động hợp lý so với lãi suất cho vay, một số ngân hàng đã đưa ra các chương trình khuyến mại mới.
Thời gian gần đây, lãi suất huy động xuống mức thấp, với mức trần chỉ còn 7%/năm, thậm chí ở nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất chỉ còn 5% cho đến 6,5%/tháng. Lãi suất thấp, việc huy động tiền gửi của ngân hàng cũng sụt giảm theo, trong khi hoạt động tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc kể từ giữa năm, khiến nhiều ngân hàng quay trở lại huy động vốn vượt trần.
Tại không ít ngân hàng, nếu như trước đây, các khoản tiền gửi phải trên 500 triệu đồng mới được “cộng” lãi suất, thì đến nay, chỉ tiêu chỉ còn trên 100 triệu đồng. Mức cộng lãi suất là 1%, tức khách hàng được nhận lãi suất thực là 8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Không chỉ áp dụng lãi suất cao hơn trần, nhiều ngân hàng còn có nhân viên chăm sóc khách hàng rất tận tình với tất cả các khách hàng cho dù khoản tiền gửi chỉ vài chục triệu đồng. Thậm chí, khách hàng có nhu cầu gửi tiền, chỉ cần gọi điện là nhân viên kinh doanh có thể đến tận nơi làm thủ tục cho khách và đưa tới chi nhánh gần nhất để gửi tiền.
Tất nhiên, việc huy động vượt trần ở các ngân hàng không hề công khai trên giấy tờ mà “tuân thủ nghiêm ngặt” quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tức là trên giấy tờ, khách gửi tiền chỉ nhận được lãi suất khoảng 6,7% - 7%/tháng, đến kỳ trả lãi, ngân hàng trả đúng phần lãi theo mức này. Còn phần cộng thêm sẽ được trả theo nhiều cách mà các nhân viên ngân hàng thường tư vấn - là “sẽ có biện pháp nghiệp vụ hợp lý hóa” - với dạng chi thưởng và trả qua tài khoản ATM là phổ biến.
Không chỉ khuyến mãi bằng chiêu cộng lãi suất, nhiều ngân hàng vẫn trung thành với kiểu khuyến mại truyền thống là tặng quà. Điển hình như tại Sacombank, vừa kết thúc chương trình “Hè rộn ràng - Ngàn niềm vui”, áp dụng trong quý II, với 697 khách hàng trúng các giải thưởng với tổng giá trị hơn 17 tỷ đồng. Không dừng lại, Sacombank triển khai tiếp chương trình “Gửi tiền trúng liền” áp dụng trong quý III (từ 8/7 - 30/9) với khách hàng gửi tiền. Hoặc, HDBank dành ưu đãi cực lớn cho các chủ thẻ HDBank khi thanh toán bằng thẻ đối với các dịch vụ ẩm thực, giải trí, mua sắm tại cộng đồng ưu đãi của HDBank trong nước và quốc tế. Theo đó, từ nay đến 31/12/2013, các chủ thẻ HDBank Visa sẽ được hưởng ưu đãi giảm giá lên đến 20% trên hóa đơn khi thanh toán qua cổng nganluong.vn. Ngoài ra, chủ thẻ sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn khi mua sắm tại các cửa hàng Pizza Hut, các trung tâm mua sắm như Diamond World, Fivimart, LotteMart, Big C trên toàn quốc vào mỗi thứ 6 hàng tuần…
Đến hút khách để giải ngân
Đầu tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Vietcombank đã triển khai chương trình cho vay 5.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, dành cho khách hàng cá nhân và hộ gia đình. Theo đó, khi vay mua nhà dự án; mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê, khách hàng chỉ phải trả lãi suất tối thiểu 8%/năm (áp dụng trong 6 tháng, kể từ ngày giải ngân đầu tiên) hoặc tối thiểu 9,99%/năm (trong tối đa 12 tháng, kể từ ngày giải ngân đầu tiên). Còn nếu vay để mua ô tô, thì lãi suất tối thiểu 8,88%/năm trong 6 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, hoặc tối thiểu 9,99%/năm trong tối đa 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2013, HDBank cũng đưa ra gói cho vay ưu đãi với tổng hạn mức là 1.000 tỷ đồng. Gói này áp dụng lãi suất chỉ từ 8 đến 8,5%/năm đối với các khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất nhập khẩu…
Tương tự, VPBank cũng có gói tín dụng 2.000 tỷ đồng ưu đãi cho doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất cho vay chỉ là 7- 8%/năm, giảm 2 - 3% so với mức lãi suất thông thường. Ngoài ra, VPBank còn dành gói 1.000 tỷ đồng đẩy mạnh vốn hỗ trợ khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô…, với lãi suất 6%/năm trong 6 tháng đầu, với giá trị khoản vay tối thiểu là 200 triệu đồng…
Ngân hàng Phương Đông (OCB) tung ra khuyến mãi, cho vay tiêu dùng, mua nhà, mua xe… với lãi suất ưu đãi. Theo đó, OCB cho vay lãi suất 5,99%/năm trong 3 tháng đầu từ ngày 01/06 - 31/08/2013, 12,49%/năm trong 9 tháng tiếp theo dành cho khách hàng cá nhân mua xe ôtô tại hơn 128 đại lý xe trên toàn quốc ký hợp đồng hợp tác với OCB và 8,99%/năm trong 3 tháng đầu, 12,49%/năm trong 9 tháng tiếp theo dành cho khách hàng vay vốn để mua nhà; căn hộ trả góp tại các dự án ký hợp đồng hợp tác với OCB…Ngoài việc hưởng ưu đãi lãi suất cho khách hàng mua nhà và xe với các đơn vị liên kết OCB, khách hàng vay tiêu dùng, mua xe ô tô, mua nhà, căn hộ, đất ở và sản xuất kinh doanh OCB dành gói ưu đãi lãi suất 700 tỷ đồng cho các khách hàng vay mới được hưởng mức lãi suất 12,49%/năm cố định trong 01 năm đầu. Chương trình được triển khai từ 11/5/2013 hoặc đến khi giải ngân hết 700 tỷ đồng.
Chưa như kỳ vọng…
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất tiền gửi xuống thấp nên mức chênh lệch 1% là cả một vấn đề, hoặc chỉ cần các quà tặng hấp dẫn là khách hàng sẵn sàng rút tiền chuyển sang gửi ngân hàng khác. Và dường như các ngân hàng cũng nhận thấy việc không có lãi suất cộng hoặc không có quà tặng sẽ khó hút khách gửi tiền. Tại nhiều ngân hàng, mỗi khi khách hàng làm thủ tục rút tiền thường được các cán bộ giao dịch hỏi rất tỉ mỉ về lý do rút tiền để rút kinh nghiệm.
Lãnh đạo của một ngân hàng cho biết, trên thực tế huy động tiền gửi, nhất là các khoản tiền lớn, theo lãi suất niêm yết rất khó, nên các ngân hàng đa phần phải có các mức cộng lãi suất hoặc có các quà tặng hấp dẫn để giữ chân khách hàng, nhất là trong bối cảnh lãi suất xuống thấp như hiện nay. Mặc dù vậy, lượng tiền huy động vẫn chưa như kỳ vọng.
Không chỉ với việc huy động vốn, công tác giải ngân tại nhiều ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, Ngân hàng đã đưa ra gói tín dụng cho vay mua nhà 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ cuối năm ngoái, song tiến độ giải ngân trong 8 tháng đầu năm nay khá chậm. Tính đến nay, Eximbank chỉ mới cho vay được khoảng 300 - 400 tỷ đồng… Tuy nhiên, Eximbank không phải là trường hợp cá biệt, nhiều ngân hàng đã thừa nhận, muốn đẩy mạnh vốn ra trong bối cảnh hiện nay không dễ. Người vay hiện không chỉ kỳ vọng lãi vay ngân hàng giảm thêm, mà còn muốn giá nhà hạ thêm nữa. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng cũng rất thận trọng trong cho vay do lo ngại nợ xấu.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn kích được tăng trưởng dư nợ, đòi hỏi trước hết là giải quyết được bài toán nợ xấu. Mặt khác, để có thể kích được cầu tín dụng, lãi suất cho vay cần giảm thêm. Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm là 7%, thì lãi suất thực dương hiện còn quá cao (4 - 6%/năm). Mức lãi suất như vậy sẽ không kích thích được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh và làm tăng nợ xấu đối với những DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất./.
Kim Lý