Mặc dầu chịu sự tác động nặng nề của suy thoái kinh tế, nhưng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình ( tỉnh Quảng Bình) vẫn ổn định sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của công nhân lao động từng bước được cải thiện. Sở dĩ đạt được thành tích đó là nhờ tập thể lãnh đạo đơn vị mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chúng tôi đến thăm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình đúng dịp đơn vị vừa tổ chức xong kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Đảng uỷ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Qua trao đổi với ông Đặng Xuân Huề, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc được biết Ban Thường vụ Đảng uỷ Công ty có cách làm táo bạo, chưa có tiền lệ trong tỉnh là, trước lúc thực hiện kiểm điểm Ban Thường vụ Đảng uỷ Công ty theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Ban Thường vụ thống nhất phát hành phiếu thăm dò dư luận trong đảng bộ đối với các chức danh chủ chốt như: Bí thư Đảng uỷ và các thành viên Ban Thường vụ, Chủ tịch HĐQT và các thành viên, Tổng giám đốc, các Phó tổng giam đốc (tất cả có 11 người). Hình thức bỏ phiếu kín, không ký tên (dùng một loại bút do Đảng uỷ Công ty phát); đánh dấu vào các mức độ (tốt, khá, trung bình, yếu) của từng người trong danh sách.
Nội dung đánh giá tập trung vào 5 vấn đề chính, đó là, phẩm chất chính trị; năng lực quản lý điều hành; năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; những biểu hiện suy thoái về đạo đức; vấn đề bức xúc kiến nghị. Sau đó Ban Thường vụ mở thùng phiếu và công khai kết quả thăm dò trong Ban chấp hành Đảng bộ. Qua thăm dò dư luận, nếu cá nhân đồng chí nào có số phiếu tín nhiệm thấp, Ban Thường vụ Đảng uỷ cương quyết thay đổi vị trí công tác. Việc làm này đã tạo dấu ấn sâu sắc trong nội bộ cán bộ chủ chốt của Công ty nói riêng và trong toàn đơn vị nói chung, được mọi người đánh giá cao.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vẫn phát triển tốt. Cho đến nay tất cả 300 công nhân lao động (trong đó 150 trong biên chế) có đủ việc làm thường xuyên. Điều đáng mừng là thu nhập bình quân của người lao động trong 9 tháng đầu năm 2012 đạt 5,2 triệu đồng, tăng 500 nghìn đồng so với năm 2011. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên là với một doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, hoạt động đa ngành, doanh thu hàng năm trên 300 tỷ đồng, nhưng cho đến thời điểm này đang sử dụng vốn tự có để sản xuất, kinh doanh, chưa vay của ngân hàng một đồng vốn nào.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bí quyết đưa đến sự thành công của Công ty là nhờ mạnh dạn đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu các thiết bị sản xuất, nâng cao năng suất lao động của tập thể lãnh đạo và vai trò của người đứng đầu. Theo ông Tổng giám đốc thì ngay sau khi cổ phần hoá, HĐQT Công ty đã quyết định chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ đa ngành, đa nghề kém hiệu quả, sang mô hình công nghiệp, tập trung vào khai thác các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh và đã mang lại thành công
Từ chỗ công nghệ khai thác khoáng sản theo lối thủ công thô sơ, đầu tư lực lượng lao động nhiều và chi phí sản xuất cao, song năng suất đạt được quá thấp vì không khai thác tận thu hết lượng khoáng sản sẵn có trong lòng đất, Ban lãnh đạo Công ty đã từng bước thay đổi công nghệ tiên tiến, đầu tư thêm máy móc thiết bị, đưa năng suất khai thác quặng titan tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước đây. Việc áp dụng công nghệ khai thác mới, đã giảm lực lượng lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, đưa sản lượng khai thác khoáng sản đơn vị năm sau cao hơn năm trước, góp phần thực hiện vượt mức các chỉ tiêu về nghĩa vụ đối với nhà nước. Điều này thể hiện rõ nét nhất là sản lượng titan khai thác trong 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt 35.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Công ty có 3 đơn vị liên doanh khai thác đá, chế biến đá xây dựng phục vụ các công trình công nghiệp và dân sinh trong và ngoài tỉnh, đơn vị nào cũng có lãi.
Thấy được vấn đề sản xuất khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nên hàng năm Công ty quan tâm mời các cơ quan quản lý cấp trên để cử giáo viên tập huấn công tác kỹ thuật khai thác đá, công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động. Công ty đã từng bước đưa công nghệ mới vào sản xuất, cải tiến kỹ thuật, đầu tư thêm máy móc thiết bị nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho cán bộ công nhân viên chức.
Đồng thời cử cán bộ tham gia các khoá học về lĩnh vực khai thác đá công nghiệp, 100% công nhân đều được cấp chứng chỉ về lĩnh vực khai thác đá. Vì vậy từ khi đi vào hoạt động đến nay, chưa có trường hợp tai nạn lao động đáng tiếc nào xảy ra. Công ty cũng thường xuyên chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, thông qua việc trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống hút bụi... nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý môi trường do Nhà nước quy định.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về cấm xuất khẩu thô titan, Công ty đã nhanh chóng đón đầu thực hiện chủ trương đó bằng việc đưa công nghệ nano vào chế biến sâu quặng titan. Công ty có sự đột phá khi cùng Tập đoàn Kim Tín (thành phố Hồ Chí Minh) góp vốn 50/50 đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu hàn, khai thác và chế biến sâu quặng titan sa khoáng, nghiền ziricol siêu mịn bằng công nghệ nano và xây dựng hai dây chuyền luyện xỉ. Đây được xem là nhà máy chế biến sâu sử dụng công nghệ nano đầu tiên tại khu vực miền Trung.
Nhà máy này khởi công xây dựng ngày 26-12-2011 tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới trên diện tích 40,5ha và tổng vốn đầu tư 220 tỷ đồng. Trong đó vốn tự có của hai bên là 40 tỷ đồng, còn lại là vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Đến ngày 15-8-2012 các hạng mục của nhà máy về cơ bản đã hoàn thiện, đây là một dự án có tiến độ nhanh nhất tại địa phương hiện nay. Nhà máy có quy mô khai thác titan sa khoáng công suất 60.000tấn/năm; dự kiến đến quý I-2013 sẽ hoàn thành cho ra đời 3 dòng sản phẩm chính là thuốc bọc que hàn, que hàn nghiền ziricol siêu mịn, luyện xỉ. Doanh thu khoảng 800-1.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách hàng năm dự kiến khoảng 70-80 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng/năm. Đặc biệt nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương. Đây là một đóng góp không nhỏ trong việc giải quyết an sinh xã hội hiện nay tại địa phương và tạo cơ sở để Công ty phát triển sản xuất kinh doanh mang tính bền vững, lâu dài.
Một ghi nhận từ Công ty là thực hiện tốt cam kết bảo vệ môi trường sau khi hoàn trả mặt bằng khai thác mỏ, trồng lại rừng. Sau 3 năm thực hiện cam kết này Công ty đã trồng gần 60ha rừng ở khu vực mỏ titan Đông Hưng. Đến nay rừng cây đã xanh tốt, hầu như xoá hết dấu tích của một vùng đã từng bị đào bới nham nhở trước đây. Trong năm nay Công ty tiếp tục thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, đã ký hợp đồng với Công ty giống cây lâm nghiệp tỉnh Thanh Hoá mua 100.000 cây phi lao có đường kính cổ rễ từ 1-2cm, cao 1-1,2m và 100.000 cây tràm hoa vàng, thuê đơn vị tư vấn thiết kế trồng rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ vùng ven biển nam Quảng Bình), đồng thời hợp đồng với bà con nhân dân thôn Sen Trung, xã Sen Thuỷ trồng, diện tích hơn 40ha, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.
Một ghi nhận nữa ở Công ty là luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách đối người lao động về tiền lương, thu nhập và các chế độ bảo hiểm; bảo đảm việc làm thường xuyên thu nhập ổn định và tăng lên hàng năm.
Một trong những nguyên nhân đưa lại thành công trong sản xuất kinh doanh của Công ty là biết phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng, người đứng đầu dám làm dám chịu trách nhiệm, tạo sự đoàn kết đồng thuận cao.
Nguồn: báo Quảng Bình