Thứ Tư, 23/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 15/11/2012 15:55'(GMT+7)

Vẫn còn những băn khoăn, trăn trở và chờ đợi

NGƯT- PGS.TS, Đại tá Khổng Minh Trà

NGƯT- PGS.TS, Đại tá Khổng Minh Trà

 

Là một đảng viên có nhiều năm tuổi Đảng, thời gian qua, theo dõi các Kỳ họp của Trung ương và qua các Nghị quyết được ban hành, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ông có cảm xúc, suy tư gì?

Là một đảng viên đã có thâm niên 48 tuổi Đảng, vì vậy tôi luôn luôn học tập, nghiên cứu và quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, đó vừa là quyền lợi và nghĩa vụ, là vinh dự và trách nhiệm của một đảng viên.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một lịch sử vẻ vang. Trải qua gần một thế kỷ lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Qua nhiều thế hệ kế tiếp nhau của XI nhiệm kỳ Đại hội. Tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt đưa toàn Đảng, toàn dân ta đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng ta, mà trước hết và trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, công tác xây dựng Đảng. Bởi vì là Đội Tiên phong, là Đảng cầm quyền Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, Đảng phải thật sự đủ Tâm, đủ Tầm, phải là một Đảng Trí tuệ, là một khối đoàn kết thống nhất. Qua 3 kỳ họp với các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi thấy đây thật sự là những hội nghị có nhiều nội dung liên kết, gắn bó chặt chẽ, là nhân và quả của một quá trình lãnh đạo, giải quyết “vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng”, phản ảnh rất sâu sắc về tính triệt để cách mạng, tinh thần trách nhiệm cao và Tầm Trí tuệ.

Không chỉ tôi mà rất nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đều chăm chú theo dõi qua các kênh thông tin của Đảng. Ngay sau khi có Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương 4, Đảng bộ phường Mai Dịch chúng tôi đã tổ chức học tập nghiêm túc, tiếp đó, lại có các buổi báo cáo bổ sung kết hợp với cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và chuẩn bị các tài liệu để đảng viên đọc và nghiên cứu về Nghị quyết Trung ương 4. Từ những nhận biết bước đầu, tôi đã có những cảm xúc vừa mừng vui, tin tưởng, tự hào về Đảng, về Tâm, Tầm, Trí và Trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Song vẫn còn những băn khoăn trăn trở và chờ đợi về hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết khi đi vào cuộc sống thực tiễn từ trung ương đến cơ sở. Trong điều kiện khó khăn thử thách về nhiều mặt đang đòi hỏi sự đúng đắn, sáng tạo, thái độ nghiêm túc, trách nhiệm cao.

Trong lịch sử Đảng, cũng có nhiều lần Đảng ta nhận sai lầm, khuyết điểm. Nhưng đây là lần đầu tiên Đảng ta xin nhận hình thức kỷ luật trước BCH Trung ương? Ông đánh giá sự kiện này như thế nào?

Trong lịch sử Đảng, cũng có nhiều lần Đảng ta nhận khuyết điểm. Nếu nói là BCHTW, Bộ Chính trị hoặc lãnh tụ cao nhất của Đảng nhận lỗi, nhận khuyết điểm trước toàn Đảng, toàn dân được thể hiện trực tiếp bằng văn bản nghị quyết thì có thể tính là hai lần vào thời kỳ sai lầm cải cách ruộng đất 1956-1957 và tại kỳ họp thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tháng 10/2012. Sau những sai lầm của Cải cách ruộng đất, toàn Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã tự phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự phê bình và nhận lỗi trước toàn dân, Tổng Bí thư Trường Chinh xin thôi giữ chức Tổng Bí thư. Còn lần này, tại Kỳ họp thứ XI, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Bộ Chính trị đã tự nhận và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương ra quyết định kỷ luật tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị thì đúng là lần đầu tập thể Bộ Chính trị tự xác định và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương ra quyết định kỷ luật.

Sự kiện trên thật sự là một sự kiện Chính trị không chỉ trong nội bộ Đảng mà còn là một sự kiện chính trị nổi bật trong dư luận xã hội. Đó thật sự là một trong những vấn đề quan tâm rộng lớn của toàn Đảng, toàn dân. Dù Ban Chấp hành Trung ương không ra quyết định kỷ luật nhưng việc tự nhận và đề nghị của Bộ Chính trị đã thật sự là một cử chỉ văn hóa cao, một thái độ hết sức nghiêm túc, là tấm gương để tổ chức Đảng các cấp và cán bộ Đảng viên trong toàn Đảng học tập và noi theo khi tiến hành học tập, quán triệt và thực hiện yêu cầu của các Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương vào sinh hoạt ở tổ chức Đảng các cấp.

Theo ông, mục đích lớn nhất của phê bình, tự phê bình là gì?

Nếu nói rộng ra và tiếp cận vấn đề trên từ giá trị nhân văn, văn hóa, từ truyền thống văn hóa giáo dục của dân tộc, hẳn là mọi người Việt Nam đều đã rõ. Còn nói theo nhận thức giác ngộ và yêu cầu đối với mọi đảng viên, cán bộ của Đảng cũng như cán bộ, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị nước ta, có thể khẳng định rằng hầu hết đều đã học tập, đọc sách báo của Bác Hồ, nói về Bác Hồ. Từ tác phẩm Đường Kách Mệnh (1925) đến tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1948) cũng như trong học tập chính trị từ cơ sở đến sau đại học, tất cả đều được học những điều Bác đang bảo về Tự phê bình và phê bình. Tôi chỉ nêu ra nhận thức và kết luận bằng lời dạy của Bác: “Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình tức là “quan liêu hóa”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”. Phê bình không phải để công kích, để nói xấu, để chửi rủa.

Bác còn chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên ngày càng phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng”. Bác dạy chúng ta “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện ngày càng tăng thêm” (Trích Sửa đổi lối làm việc 10/1948 của XYZ). Những lời dạy trên đủ để thay lời kết cho việc trả lời về mục đích lớn nhất của tự phê bình mà đồng chí đã đặt câu hỏi cho tôi.

Ông mong muốn, chờ đợi, sau bước đột phá này, tiếp theo sẽ là gì

Kỳ họp vừa qua cũng cho thấy một tập thể lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng đã gương mẫu điển hình trong việc thực hiện Cuộc vận động của Bộ Chính trị khóa IX “Học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Với các cấp tỉnh, thành phố, Bộ, ban, ngành và quận, huyện, xã, phường, vì đang trong bước học tập, quán triệt, tôi rất mong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban của Đảng tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát trực tiếp, kịp thời và chặt chẽ, ở các cấp đó cũng cần phổ biến, công khai thông tin như Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thực hiện qua 3 kỳ họp vừa qua. Vì đây là nơi trực tiếp gắn bó và quan hệ thiết thân đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, đó cũng là mong mỏi không chỉ của riêng tôi.

Xin cảm ơn ông!

Thu Thanh (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất