Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Thứ Năm, 18/4/2019 9:41'(GMT+7)

Khoa học xã hội và nhân văn quân sự với sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Phúc ngày 2/3/1963. (ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Phúc ngày 2/3/1963. (ảnh tư liệu)

Lịch sử đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành chính quyền, tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, bảo vệ Tổ quốc thắng lợi; thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước và đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong tiến trình ấy, khoa học xã hội và nhân văn nói chung, khoa học xã hội và nhân văn quân sự nói riêng có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Khoa học xã hội và nhân văn quân sự ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng Việt Nam và có nhiệm vụ rất rộng lớn. Nổi bật là, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận từ hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc và của cách mạng Việt Nam; cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; giúp các cơ quan chiến lược tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và bảo vệ Tổ quốc. Đó là nghiên cứu phục vụ con người, vì con người, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự trường tồn của dân tộc. Thực tiễn đã chỉ rõ, thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do mọi quyết sách lớn của Đảng đều kế thừa các nghiên cứu đi trước, kết luận rút ra từ tổng kết thực tiễn, đúc kết, khái quát kinh nghiệm, thử nghiệm từ thực tiễn, sự tìm tòi, nghiên cứu khoa học của các chuyên ngành, các nhà khoa học xã hội và nhân văn.

Khoa học xã hội và nhân văn quân sự nghiên cứu các quy luật vận động, phát triển của lĩnh vực quân sự ở khía cạnh chính trị - xã hội; phân tích, làm rõ cơ chế vận hành, vai trò của con người, mối quan hệ giữa con người với con người trong lĩnh vực quân sự; quan hệ giữa con người với vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và môi trường quân sự. Trong đó, hoạt động quân sự là một lĩnh vực đặc thù của xã hội - một loại hình “lao động đặc biệt” - gắn liền với việc chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, xây dựng lực lượng vũ trang và Quân đội cách mạng, của dân, do dân, vì dân; chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, có kỷ luật “sắt”, tự giác và nghiêm minh. Đội quân này hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, có tính đối kháng cao của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, với khó khăn, thử thách, cường độ lao động cao, cả ngày và đêm; sẵn sàng nhận nhiệm vụ và tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy trong mọi tình huống, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Khoa học xã hội và nhân văn quân sự phải giải đáp các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình hoạt động quân sự nói trên, nhằm đảm bảo hoạt động này đúng đường lối của Đảng; tiết kiệm công sức của bộ đội, tiền bạc của nhân dân. Cho nên, nó trở thành một bộ phận không thể tách rời của khoa học xã hội và nhân văn quốc gia; mảng lý luận chuyên ngành đặc thù nghiên cứu về hoạt động quân sự, đời sống vật chất và tinh thần, sức mạnh chiến đấu, mục tiêu, lý tưởng, lập trường giai cấp của quân nhân cũng như các vấn đề chiến tranh, hòa bình và các vấn đề của khoa học xã hội và nhân văn quân sự trong mối quan hệ với các khoa học khác.

Điều đó đặt ra và đòi hỏi đội ngũ cán bộ khoa học xã hội và nhân văn quân sự vừa phải có kiến thức cơ bản, toàn diện, vừa phải nắm vững tri thức của khoa học xã hội và nhân văn quân sự với các chuyên ngành cụ thể: học thuyết Mác – Lê-nin về chiến tranh, quân đội; lý luận về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng; lý luận xây dựng quân đội về chính trị; kinh tế học quân sự, xã hội học quân sự, văn hóa học quân sự, đạo đức học quân sự; có tri thức, vốn sống, kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo, chỉ huy bộ đội. Với tư cách là các môn khoa học, từng chuyên ngành của khoa học xã hội và nhân văn quân sự theo chức năng, nhiệm vụ của mình đem đến cho bộ đội những tri thức cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ. Quan niệm cho rằng, các môn khoa học xã hội và nhân văn quân sự là “con”, là “nhánh” của khoa học “gốc” với sự lắp ghép giản đơn, tùy tiện thuật ngữ “quân sự” vào sau các khái niệm, phạm trù của khoa học “mẹ”,… là sai lầm cả về lý luận và thực tiễn.

Sự đòi hỏi phải phát triển mạnh mẽ khoa học xã hội và nhân văn quân sự là do yêu cầu bức thiết của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới, mà tri thức chung của các môn khoa học không đủ sức giải đáp kịp thời các vấn đề phát sinh của các quá trình, hiện tượng lạ, đã, đang và sẽ diễn ra trong hoạt động quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Cách mạng Công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nhất là đấu tranh phòng, chống mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch,… trong tình hình phức tạp hiện nay. Tính chất phức tạp của hoạt động quân sự, công tác đảng, công tác chính trị, chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho cuộc chiến tranh công nghệ cao đòi hỏi sự cần thiết phải trang bị cho các quân nhân nhiều mảng kiến thức chuyên ngành, đa ngành từ kết quả nghiên cứu chuyên sâu của khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và vẻ vang của những người cán bộ, nhà nghiên cứu, giảng viên “Bộ đội Cụ Hồ”.

Xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi, nó luôn gắn liền với sinh mệnh của Đảng, Nhà nước, sự tồn vong của chế độ; quyết định cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, sự trưởng thành, phát triển và tăng cường sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Đây là nhiệm vụ không chỉ xuất phát từ yêu cầu “người trước, súng sau”, “lấy chính trị làm gốc”, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, mà còn xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, thành tựu của hơn 30 năm đổi mới toàn diện đất nước. Đồng thời, là kinh nghiệm xây dựng Quân đội về chính trị hơn bảy thập niên qua của Đảng, Nhà nước và Quân đội; yêu cầu về giữ vững, nâng cao uy tín “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới. Qua đó, nhằm xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong tình hình mới, các nhà khoa học phải tiếp tục nắm vững nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về xây dựng Quân đội về chính trị; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Đồng thời, dựa chắc vào kết quả nghiên cứu mới nhất của khoa học xã hội và nhân văn nói chung, của khoa khọc xã hội và nhân văn quân sự nói riêng, đặc biệt là những luận cứ khoa học, những kết luận rút ra từ thực tiễn về tình hình địch, tình hình ta, tương quan so sánh lực lượng các bên, làm rõ tính mục đích, đối tượng, đối tác; mối quan hệ giữa đối tượng và đối tác; chủ thể, lực lượng, nội dung, phương thức, cơ chế và điều kiện bảo đảm đấu tranh giành thắng lợi trong mọi tình huống. Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đang cần có những tham mưu, tư vấn, kết luận từ kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học xã hội và nhân văn quân sự, như: phương thức, biện pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch; giải đáp nguyên nhân suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; giải pháp hữu hiệu không để các tiêu cực, tệ nạn xã hội, thông tin và sản phẩm văn hóa xấu độc xâm nhập vào Quân đội; chuẩn bị tốt nhất về chính trị, tinh thần, góp phần tích cực xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho bộ đội, nhất là cán bộ, chiến sĩ trẻ.

Để làm được điều đó, thời gian tới, khoa học xã hội và nhân văn quân sự tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, tập trung nghiên cứu một số hướng chính, như: học thuyết Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, quốc phòng; những tác động, ảnh hưởng đến xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và giải pháp ứng phó của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta; dự báo chiến lược về âm mưu, thủ đoạn, hình thức, tác hại từ sự chống phá của các thế lực thù địch và giải pháp đấu tranh phòng, chống, làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của chúng; giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân”, nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc; giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, v.v. Tập trung làm sáng tỏ đối tượng, nội dung, chức năng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống khái niệm, phạm trù, quy luật của các khoa học xã hội và nhân văn quân sự cho phù hợp với sự phát triển mới của Quân đội; cung cấp luận cứ khoa học về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong tình hình mới.

Trước mắt, đẩy mạnh phát triển khoa học xã hội và nhân văn quân sự gắn liền với tổng kết thực tiễn 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 của Đảng, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Quân đội; cung cấp luận cứ khoa học để xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội XI Đảng bộ Quân đội; bổ sung, hoàn thiện Cương lĩnh 2021 trình Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên ngành với số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, có nhiều chuyên gia giỏi, cán bộ đầu ngành xuất sắc; xây dựng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng thành một trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quân sự mạnh của Quân đội và quốc gia./.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN BÁ DƯƠNG, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất