Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 28/8/2013 22:59'(GMT+7)

Khoảng 10.700 doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 8 tháng

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo cơ sở cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2013.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2013 tăng 0,83%, 8 tháng tăng 3,53%.

Lãi suất đã được điều hành theo hướng giảm dần, phù hợp với tình hình lạm phát. So với đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động giảm 2 - 3,5% và lãi suất cho vay giảm 3 - 4%/năm.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9%; nhập siêu 576 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vốn FDI và ODA tăng mạnh. Vốn FDI đăng ký trong 8 tháng ước đạt 12,63 tỷ USD, tăng 19,5%; giải ngân ước đạt 7,56 tỷ USD, tăng 3,8%. Vốn ODA được ký kết đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng trên 29%; giải ngân đạt 2,74 tỷ USD, tăng 8,68% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 5,3% so với cùng kỳ. Tồn kho tiếp tục xu hướng giảm dần. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ổn định mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, nhất là giá nông sản và sức mua giảm. Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dung 8 tháng tăng 12,3% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 4,9 triệu lượt, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

“Dấu hiệu đáng lưu ý là sản xuất công nghiệp giảm mạnh. Tăng trưởng kinh tế có nhích lên nhưng tốc độ tăng trưởng trong các lĩnh vực dịch vụ… chưa cao” – Bộ trưởng nói.

Triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục xu hướng tăng, 8 tháng ước tăng 9,5% và có khoảng 10,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ thống nhất đánh giá, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chuyển biến chậm. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu còn chậm. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn; thị trường và sức mua phục hồi chậm. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thu ngân sách đạt thấp. Tái cơ cấu một số lĩnh vực của nền kinh tế chuyển biến chậm. Một số vấn đề xã hội còn gây bức xúc. Tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, số người chết tăng. Đời sống của hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

Tiếp tục quản lý tốt thị trường vàng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; những tháng cuối năm, Chính phủ kiên định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, giải pháp đã được đề ra từ đầu năm, trong đó ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo các Nghị quyết 01, 02 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, nhất quán, không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Kiên quyết thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình đối với các mặt hàng Nhà nước định giá như điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2013 ở mức khoảng 7%. Đồng thời, tăng cường quản lý thu chi NSNN, bảo đảm tổng dự toán thu – chi và mức bội chi NSNN năm 2013 đã được Quốc hội quyết định. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bảo đảm tăng 12%; tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Điều hành lãi suất phù hợp với tình hình lạm phát, bảo đảm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, tiếp tục quản lý tốt thị trường vàng. Đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm mức tăng cả năm 12% để góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy đầu tư, bao gồm đầu tư từ NSNN, TPCP, ODA, FDI, đầu tư tư nhân, phấn đấu tổng đầu tư toàn xã hội đạt tương đương 30% GDP; rà soát để tăng sản lượng một số ngành, lĩnh vực; thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 02, đẩy nhanh việc triển khai  gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng; khẩn trương có cơ chế phù hợp để Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) tham gia và phát huy vai trò trong xử lý nợ xấu. Phấn đấu năm 2013 đạt mức tăng trưởng GDP 5,4%./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất