Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 27/8/2013 18:52'(GMT+7)

Nâng cao năng lực giám sát kinh tế tài chính vĩ mô

Ngày 27/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo – Triển lãm Vietnam Finance 2013 với chủ đề "Tăng cường Giám sát tài chính Quốc gia: Giải pháp chính sách và công nghệ”. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Sỹ Danh, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định: Những năm gần đây, thị trường tài chính trong nước phát triển ngày một đa dạng, với nhiều diễn biến phức tạp, cả về hình thức và loại hình, đòi hỏi theo đó là một mô hình giám sát tài chính tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả nhằm giúp hệ thống tài chính quốc gia hoạt động ổn định và giảm thiểu rủi ro. Quản lý nợ công và rủi ro tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tăng trưởng bền vững cho hệ thống kinh tế. Vì thế, một trong những mối quan tâm hàng đầu của ngành tài chính công hiện nay là tìm kiếm những giải pháp về chính sách và công nghệ giúp nâng cao năng lực giám sát tài chính, từ đó đẩy mạnh sự phát triển của toàn nền kinh tế - xã hội. Giám sát tài chính không chỉ là vấn đề trong nội ngành mà còn  liên quan đến nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế. Trong đó có 3 trụ cột quan trọng  là giám sát tài chính công, giám sát tài chính doanh nghiệp và giám sát  thị trường tài chính.  3 trụ cột có mối quan hệ tương tác lẫn nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo an ninh,an toàn cho nền tài chính quốc gia. 

Theo ông Phạm Sỹ Danh, để đảm bảo giám sát tài chính có hiệu quả cần đảm bảo 5 yêu cầu cốt lõi và cơ bản. Một là, xây dựng được khung khổ pháp lý cho giám sát tài chính, quy mô đầy đủ và toàn diện. Hai là, đảm bảo có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, các bộ ngành liên quan cho thuận tiện giám sát. Ba là có sự hiện diện của một hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu giám sát tài chính vĩ mô, bao quát được các nội dung và chủ thể cần giám sát. Bốn là, hình thành một hệ thống dữ liệu thông tin phục vụ công tác giám sát tài chính vĩ mô thỏa mãn các tiêu chí đầy đủ, chính xác, kịp thời. Năm là, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong việc giám sát tài chính vĩ mô.

Cũng tại Hội thảo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết,  từ 2009, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trên thực tế đã và đang giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính quốc gia (thông qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và an toàn vi mô gộp), từng bước định hình khuôn khổ, công cụ giám sát an toàn vĩ mô theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam... Để nâng cao năng lực giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay trước mắt cần kỷ luật thị trường phải được tôn trọng trước tiên nhằm giảm tối đa các chi phí quản lý không cần thiết của việc giám sát an toàn vĩ mô. Bên cạnh đó, cần phải chuẩn bị tốt kiến thức và hiểu biết sâu về các điều kiện kinh tế và thị trường tài chính cho cán bộ của các cơ quan giám sát an toàn vĩ mô. Đồng thời cần tăng cường phối hợp trong điều hành chính sách và chia sẽ thông tin giữa các cơ quan giám sát tài chính trong nước. Đặc biệt, việc hợp tác xuyên biên giới với các cơ quan giám sát nước ngoài trong việc giám sát an toàn vĩ mô nên được thiết lập chính thức và tăng cường mạnh mẽ trong tương lai. 

Ông  Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhận định, quản lý và giám sát tài chính đối với vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước là một việc làm cần thiết nhằm đánh giá đúng thực trạng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giúp nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện các yếu kém trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời.  Tuy nhiên, thực tế thực hiện trong thời gian qua cho thấy các quy định về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn bất cập, chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả để kịp thời phát hiện, cảnh báo cho chủ sở hữu doanh nghiệp về những nguy cơ, dấu hiệu rủi ro về tài chính...

Trước bối cảnh nhiều biến động của nền kinh tế hiện nay với, nhiều đại biểu cùng có chung nhận định, việc lựa chọn xây dựng và phát triển hệ thống giám sát tài chính nhằm tối ưu việc thúc đẩy tài chính, kinh tế quốc gia luôn là một nhiệm vụ lớn với bất kỳ Chính phủ nào. Phần lớn những ý kiến đưa tại hội thảo tỏ ra ủng hộ việc tái cấu trúc hệ thống giám sát tài chính Việt Nam trở nên hợp nhất hơn nhằm hoàn thành tốt những nhiệm vụ của hệ thống giám sát tài chính đối với một thị trường tài chính nhỏ nhưng có mức độ tập trung cao cùng tốc độ phát triển nhanh chóng.

Được biết, bên lề hội thảo, đã có hơn 20 gian hàng của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu trưng bày các sản phẩm công nghệ, các dịch vụ mới nhất cho ngành Tài chính./.

Tuấn Phạm
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất