Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 27/8/2013 20:19'(GMT+7)

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân gắn với tái cấu trúc ngành nông nghiệp

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thăm Cảng cá Đông Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thăm Cảng cá Đông Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận.

Vừa qua, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng Đoàn đã có chương trình làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và  Duyên hải miền Trung.

Nội dung quan trọng trong chuyến công tác của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung lần này nhằm kiểm tra tình hình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân gắn với tái cấu trúc ngành nông nghiệp; đánh giá 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về kinh tế - xã hội...

Ngoài làm việc với lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ  và Đoàn công tác đã có các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh uỷ các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.

Trong chương trình làm việc tại các địa phương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương  Vương Đình Huệ  đã trực tiếp đi tìm hiểu thực tế tại Công ty cổ phần Cao su Daknoruco - thành viên của Công ty Cao su Dak Lak; khảo sát tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào và Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt tại tỉnh Lâm Đồng; thăm Nhà máy Phong điện 1 và Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại tỉnh Bình Thuận; khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và thực tế tại cảng cá Đông Hải, TP. Phan Rang-Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận.

Thông qua chương trình làm việc, Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã xây dựng chương trình phối hợp công tác giữa hai đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao; trong đó tập trung phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Trung ương, Chính phủ có các chủ trương, chính sách sát với thực tế cho vùng Tây Nguyên. Trước mắt, hai Ban tiếp tục nghiên cứu sâu hơn Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tái cơ cấu cấu trúc ngành nông nghiệp vùng, chủ trương phát triển kinh tế hợp tác, nhân rộng các mô hình liên kết giữa bốn nhà nhằm gia tăng chuỗi giá trị, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học thích hợp với từng vùng...

Tại các địa phương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương  Vương Đình Huệ  đã tìm hiểu, thảo luận với lãnh đạo tỉnh uỷ các tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hiện nay; đặc biệt tập trung vào đánh giá kết quả thực hiện tình hình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân gắn với tái cấu trúc ngành nông nghiệp; đánh giá 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về kinh tế - xã hội, trong đó có đánh giá về kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2013 và các tháng còn lại của năm 2013...

Tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, ngoài những nội dung làm việc nêu trên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương còn dành nhiều thời gian làm việc với lãnh đạo các địa phương về việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 8/1/2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010; Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 08/1/2002 của Bộ Chính trị về Tây Nguyên.

 
 Trưởng  ban Kinh tế Trung ương khảo sát trang trại của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng).

Phát biểu tại các buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà các địa phương đã đạt được trong việc thực hiện nghị quyết và kết luận của Trung ương. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Qua  thực tiễn đã khẳng định, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn các địa phương đã có nhiều chuyển biến to lớn, tạo ra động lực mạnh mẽ trong nhân dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản phát triển khá toàn diện, tăng cả về quy mô, năng suất, sản lượng và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Cơ cấu ngành có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị thuỷ sản. Kinh tế nông thôn có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang hơn; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân tiếp tục cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm...

Đặc biệt, tại mỗi địa phương đến công tác, ông Vương Đình Huệ rất quan tâm tìm hiểu về những cách làm cụ thể của mỗi tỉnh, chẳng hạn, tại Ninh Thuận, đó là những bước đột phá của Tỉnh từ sau quy hoạch hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư...; Với tỉnh Bình Thuận, đó là phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, phát triển mô hình khai thác xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế, bảo quản sản phẩm trên biển, gắn với xây dựng mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản xa bờ bước đầu phát huy hiệu quả tốt...; với tỉnh Lâm Đồng là những cách làm trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác; đặc biệt là  chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả ấn tượng, có sức lan tỏa cao; với tỉnh ĐăkLak, Đắc Nông là những nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh chính trị tại địa phương...

Từ thực tiễn địa phương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng gợi mở, đề xuất nhiều vấn đề mà các địa phương có thể nghiên cứu áp dụng để góp phần thực hiện tốt hơn các  nghị quyết và kết luận của Trung ương thời gian tới, trong đó trên cơ sở từ những cách làm mới và kinh nghiệm có được, các tỉnh cần chú ý gắn chặt vấn đề tam nông với tái cấu trúc ngành nông nghiệp; chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; trong điều kiện tự nhiên của mỗi địa phương, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp, tính toán việc đầu tư nâng cao giá trị các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh của mỗi tỉnh.../.

PV


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất