Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 27/8/2013 21:11'(GMT+7)

"Làm sạch" nợ xấu: Quyết tâm để lành mạnh hóa

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Nợ xấu để lâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Do vậy, để hạn chế rủi ro, cần nhìn nhận đúng về bản chất nợ của mỗi ngân hàng để có hướng “làm sạch” nợ phù hợp, giúp lành mạnh hóa tình hình hoạt động…

Nợ xấu chưa giảm

Cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 31/5 nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 117,7 nghìn tỷ đồng, trong khi trích dự phòng rủi ro đạt 67,3 nghìn tỷ đồng. Còn theo kết quả giám sát từ xa của NHNN, thì tỷ lệ nợ xấu tính đến thời điểm 31/3/2012 là hơn 202 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng… Như vậy, nợ xấu của các TCTD vẫn nằm ở con số “khổng lồ”.

Diễn giải về tình hình nợ xấu của các TCTD, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Quyền Chánh thanh tra NHNN cho biết, nợ xấu chủ yếu rơi vào khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng do thời gian qua các lĩnh vực này đã chịu nhiều tác động từ khó khăn của nền kinh tế. Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) đến cuối tháng 5/2012 vào khoảng 197 nghìn tỷ, chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng dự nợ 2,6 triệu tỷ của toàn hệ thống ngân hàng. Trong đó, nợ xấu cho vay đầu tư kinh doanh BĐS là khoảng 12 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,5% dư nợ BĐS và tương đương 10,3% tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh BĐS, một “điểm nóng” nữa được nhắc tới là những khoản nợ nằm ở chứng khoán. Tính đến ngày 31/5 dư nợ cho vay chứng khoán đạt gần 12 nghìn tỷ đồng, trong đó, nợ xấu khoảng 485 tỷ đồng chiếm 4,1% dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Trước khoản nợ "khổng lồ" này, đại diện NHNN đã trấn an: Có đến 84% dư nợ xấu được đảm bảo bằng tài sản, chỉ có 16% dư nợ xấu không có tài sản đảm bảo. Giá trị tài sản bảo đảm bằng 135% giá trị nợ xấu. Trong đó nợ xấu được đảm bảo bằng BĐS thì giá trị tài sản bảo đảm so với dư nợ xấu có đảm bảo bằng BĐS là 180%. Dù đã được trấn an, nhưng trước bối cảnh thị trường BĐS sụt giảm mạnh, đóng băng kéo dài, thị trường chứng khoán kém khởi sắc thì vẫn chưa thể các tài sản đảm bảo này sẽ tạo điểm sáng cho bức tranh nợ xấu. Rõ ràng nợ xấu tại các TCTD vẫn là vấn đề đáng lo ngại nếu không có giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá thì trường tiền tệ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro…

“Làm sạch” để lành mạnh hóa

“Chiến dịch” tái cơ cấu tất cả các nhóm TCTD, đặc biệt là xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn đang được NHNN đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua. Về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần phải xử lý thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém được cải thiện đáng kể và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, nguy cơ mất an toàn từng bước được giảm bớt. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu vẫn diễn ra chậm hơn so với dự kiến, tình trạng nợ xấu vẫn chưa có sự cải thiện mạnh mẽ, rủi ro vẫn tiềm ẩn nếu sự kiểm soát không thực hiện thường xuyên.

Trước đòi hỏi này, ngày 31/5/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”. Sau đó, ngày 1/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Những động thái này thể hiện sự quyết tâm “làm sạch” hướng đến lành mạnh hóa các TCTD, đưa thị trường tiền tệ Việt Nam phát triển bền vững.

Với việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là BĐS. Các TCTD sẽ phải tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại toàn bộ các khoản cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu DN, ủy thác đầu tư theo mức độ rủi ro. Trên cơ sở đó, đánh giá lại các khoản cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu DN, ủy thác đầu tư, TCTD tích cực phân loại nợ, hạch toán đúng bản chất nợ xấu, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu theo quy định của pháp luật. TCTD chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ (giãn thời gian trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ) và xem xét miễn, giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có triển vọng tốt sau cơ cấu lại nợ để khách hàng giảm bớt khó khăn tài chính tạm thời và nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo nguồn thu mới trả nợ TCTD; tiếp tục đầu tư, cho vay, bảo lãnh đối với khách hàng có nợ xấu do khó khăn tạm thời nhưng có triển vọng phục hồi và phát triển tốt.

Đối với các dự án, công trình đầu tư dở dang hoặc sắp hoàn thành và có khả năng phát huy hiệu quả kinh tế, TCTD tiếp tục cho vay, đầu tư để hoàn thiện đưa vào khai thác hoặc bán để thu hồi nợ. Đồng thời, quán triệt thực hiện các giải pháp: Chuyển nợ xấu thành vốn góp, cổ phần của DN có nợ tại TCTD, tham gia cơ cấu lại DN; bán nợ xấu cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính; TCTD phải rà soát, cơ cấu lại tổ chức bộ máy và hệ thống mạng lưới trong nước và nước ngoài theo hướng tinh gọn, hiệu quả; kiên quyết đóng cửa, chấm dứt hoạt động, sáp nhập, giải thể các đơn vị phụ thuộc, chi nhánh, phòng giao dịch và những hoạt động kinh doanh kém hiệu quả; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ở những DN, tổ chức kinh doanh kém hiệu quả.

Riêng với giải pháp góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD (kể từ ngày 20/9/2013) đã khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực tái cơ cấu các TCTD. Theo đó, việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt của NHNN hoặc TCTD khác được NHNN chỉ định. Theo đó, Thống đốc NHNN sẽ chỉ định TCTD tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc trực tiếp tham gia góp vốn, mua cổ phần trong trường hợp TCTD khác không đáp ứng được các điều kiện quy định của Quyết định 48/2013/QĐ-TTg. Ngoài ra, TCTD được chỉ định phải đáp ứng được các điều kiện như: Có tình trạng tài chính lành mạnh và có đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn, mua cổ phần theo yêu cầu của NHNN; đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; có hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ đáp ứng các quy định của NHNN và có khả năng quản trị, điều hành và thực hiện cơ cấu lại TCTD được tham gia góp vốn mua cổ phần.

Có thể thấy, với quy định này, NHNN có thể chỉ định một số NHTM Nhà nước hoặc NHTM cổ phần có vốn chi phối Nhà nước để mua cổ phần, nhưng Nhà nước trực tiếp và gián tiếp can thiệp đầu tư vào các ngân hàng yếu kém là cần thiết và không còn cách nào khác.../.

Quỳnh Anh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất