Thứ Ba, 1/10/2024
Thể thao
Chủ Nhật, 19/6/2011 8:25'(GMT+7)

Khoảng trống mênh mông

VĐV Hoàng Anh Tuấn, niềm tự hào của cử tạ Việt Nam trong một thời gian dài.

VĐV Hoàng Anh Tuấn, niềm tự hào của cử tạ Việt Nam trong một thời gian dài.

 Tấm gương cử tạ

Trước điền kinh, cử tạ Việt Nam là tấm gương nhãn tiền. Trong một thời gian dài, cử tạ Việt Nam chỉ trông vào Hoàng Anh Tuấn tại các giải quốc tế lớn. Hoàng Anh Tuấn là tài năng thực sự, đã không phụ sự đầu tư của ngành thể thao để đoạt chiếc huy chương danh giá tại Olympic 2008.

Nhưng ngay từ những ngày đó, người ta đã đặt câu hỏi rằng, ai sẽ kế thừa Tuấn? Nhìn sang Trung Quốc, nơi mỗi hạng cân có vài ba lực sĩ tương đương trình độ, càng thấy lo cho cử tạ Việt Nam. Lúc nào cử tạ Trung Quốc cũng trình làng những gương mặt mới, bảo đảm đạt thành tích cao ở giải thế giới hay ASIAD, Olympic. ASIAD 2006, hạng 56kg nam có Hoàng Anh Tuấn tham dự, Trung Quốc có Li Zheng đoạt chức vô địch. Hai năm sau, ở Olympic 2008, cử tạ Trung Quốc lại trình làng Long Qingquan và lực sĩ này cũng lên ngôi vô địch. Sau năm 2008, cử tạ Việt Nam vẫn chỉ trông vào Hoàng Anh Tuấn và bắt đầu rậm rịch đầu tư cho người thay thế Tuấn. Nhưng sự cố dính doping tại giải vô địch thế giới 2010 của Hoàng Anh Tuấn đã khiến cử tạ Việt Nam trở tay không kịp. Không có những lực sĩ tương đương Hoàng Anh Tuấn, cử tạ Việt Nam đành chấp nhận đầu tư từ đầu ở hạng 56kg và khả năng giành vé tham dự Olympic 2012 rất khó xảy ra.

Bây giờ cử tạ Việt Nam đang đầu tư cho Thạch Kim Tuấn nhưng lực sĩ trẻ 17 tuổi này hiện cũng chỉ cố gắng đạt mức cử tổng 261kg, kém tới 29kg so với thành tích cao nhất của Hoàng Anh Tuấn. Không kể, Thạch Kim Tuấn vẫn phát triển chiều cao nên rất khó trụ lại ở hạng 56kg mà phải lên hạng 62kg cho phù hợp với sự phát triển hình thể. Một khoảng trắng đang hiện hữu ở hạng 56kg nam, từng là niềm tự hào trong một thời gian dài của cử tạ Việt Nam.

Nỗi lo có thật của điền kinh Việt Nam

Với điền kinh Việt Nam, 2, 3 năm gần đây chỉ có Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng là có thể tranh huy chương tại các giải châu lục. Ngay ở đấu trường SEA Games, nếu vắng Hương và Hằng, chỉ tiêu của điền kinh Việt Nam sẽ hạ đáng kể. Hai kỳ SEA Games gần đây, cả Hương và Hằng đã đoạt tới 1/2 số HCV của Đội tuyển Điền kinh Việt Nam. Những đồng đội của Hương, Hằng đều chỉ có thể diễn vai phụ. Trong nhiều cuộc trò chuyện, các HLV của hai chị đều băn khoăn về việc tìm kiếm người kế thừa nhưng đấy là việc khó bởi trong nhiều năm qua, khi khái niệm đầu tư trọng điểm chưa thịnh hành trong làng thể thao Việt Nam, khâu tuyển chọn, đầu tư cho các tài năng trẻ rất hạn chế. Ở đây, cách hiểu rằng sẽ đầu tư quyết liệt khi VĐV đã có thành tích nổi bật luôn trội hơn cách hiểu phải đầu tư quyết liệt để VĐV có thành tích nổi bật khiến ít tài năng trẻ có đủ cơ hội phát triển, dù không thiếu người có tố chất như Hương, Hằng. Cũng vì vậy mà chuyện tìm người kế thừa để duy trì các thế mạnh trên đấu trường thể thao quốc tế của thể thao Việt Nam nói chung, các bộ môn nói riêng vẫn khiến các nhà quản lý lo lắng. Nỗi lo này có thể vơi nếu trong vòng 5, 6 năm nữa, chiến lược phát triển thể thao thành tích cao 2011- 2020 được thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh.

Theo HNM
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất