Cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chưa có một báo cáo chính xác về số vụ bạo lực học đường mỗi năm. Trong khi tổng số vụ mà ngành công an ghi nhận được là trên 2.000 vụ/năm, trong đó có đến 53% vụ bạo lực xảy ra trong trường học. Từ năm 2011 đến nay, số vụ bạo lực tăng dần qua các năm.
Sự thiếu trách nhiệm, thỏa hiệp để bưng bít thông tin chính là mảnh đất dung dưỡng mầm tội ác mỗi ngày tại những ngôi trường - nơi cả xã hội gửi gắm niềm tin trong việc đào tạo những thế hệ tương lai hội đủ đức - trí - thể - mỹ.
VÔ CẢM, BƯNG BÍT THÔNG TIN TIẾP TAY CHO BẠO LỰC
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường tàn nhẫn ở nhiều nơi khiến cho cả xã hội lo lắng, phẫn nộ. Đặc biệt mới đây, vụ nữ sinh lớp 9, trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên), bị đánh hội đồng đến mức phải đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị cho thấy các vụ bạo lực học đường xảy ra ngày càng nghiêm trọng, dù ngành giáo dục cũng như xã hội đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn...
Vụ việc ở Hưng Yên, không chỉ hai học sinh (HS) đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, mà là một nhóm học sinh xông vào đánh, đấm, lột quần áo một học sinh khác mà nạn nhân thì không thể phản kháng.
Đáng nói là ngay sau đó, giáo viên chủ nhiệm cũng như nhà trường tìm mọi cách bao che, bưng bít thông tin chứ không có bất cứ giải pháp nào nhằm chấm dứt tình trạng này.
Đây là hệ quả của bệnh thành tích trong ngành giáo dục, chính nó tạo ra sự vô cảm đáng sợ, thiếu trách nhiệm, bạo lực ngày càng gia tăng là điều khó tránh khỏi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Đây là bài học không chỉ cho ngành giáo dục Hưng Yên mà là bài học chung cho cả nước” khi bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường cùng nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, qua thực tế, cần xem xét việc quán triệt các văn bản này đã đến địa phương, đến giáo viên chưa, các cấp quản lý ở huyện, ở xã đã vào cuộc chưa, đã kiểm tra giám sát chưa?.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội (Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) cho rằng: Hiện nay chúng ta có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, thông tư hướng dẫn các cấp nhưng liệu những cái đó đến trường học, đến HS là bao nhiêu thì không ai đo đếm cả. Bộ yêu cầu mỗi trường phải có tổ tư vấn tâm lý học đường để giải tỏa tâm lý cho học sinh, nhưng đến nay sau một năm có bao nhiêu trường làm được? Vấn đề gốc rễ vẫn là nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục đã phù hợp với sự phát triển của trẻ em hiện nay chưa, hay chúng ta vẫn giáo dục áp đặt, bắt trẻ học những cái từ thời xa xưa, xa lạ đối với các em?
Nhiều ý kiến cho rằng, bạo lực học đường xảy ra không chỉ do lỗi nhà trường, mà còn là lỗi hệ thống từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Giới trẻ đang phải tiếp xúc với bạo lực từ những hoạt động giao tiếp hằng ngày. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò, trách nhiệm của trường học, thầy cô. Đã có nhiều vụ bạo hành xảy ra như: học sinh trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) bị cô yêu cầu các bạn tát 231 cái; nữ giáo viên trường THCS Long Toàn (Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng thước đánh 22 học sinh lớp; thầy giáo ở Bắc Giang sàm sỡ hàng chục học sinh... Nhiều chuyên gia giáo dục có chung băn khoăn, trăn trở: Phải chăng lối giáo dục áp đặt, thiếu dân chủ, thậm chí ra hình phạt học sinh bằng cách yêu cầu học sinh đánh bạn đã “gieo mầm” bạo lực và vô cảm trước cái ác vào chính các em vốn “tính bản thiện”?
LO NHỒI NHÉT KIẾN THỨC, QUÊN GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG
Lý giải nguyên nhân tình trạng học đường gia tăng, TS. Nguyễn Tùng Lâm, cho rằng: “Chúng ta cứ nói giáo dục kỹ năng sống, nhưng không giáo dục giá trị sống cho học sinh, các em sẽ không có giá trị yêu thương, giá trị tôn trọng, không biết bảo vệ kẻ yếu, không dám chống lại điều dối trá… thì sẽ vẫn xảy ra những vụ bạo hành tương tự. Chúng ta cứ hô hào dạy làm người nhưng có dạy đâu, chỉ mải chạy theo điểm số, thành tích... ra sức nhồi nhét những kiến thức khô cứng cho trẻ.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, quan trọng nhất vẫn là làm sao để có nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với HS, đến được với HS, chứ hiện nay giáo dục toàn nằm trên sách giáo khoa, trên nghị quyết, chỉ thị. Kinh nghiệm trường Đinh Tiên Hoàng (ngôi trường nổi tiếng có nhiều học sinh cá biệt - PV) là đưa vào nội dung giáo dục giá trị sống như: Tự chủ - tự trọng - tự tin - tự chịu trách nhiệm - tự học. Để dạy giá trị sống, kỹ năng sống, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động để HS được trải nghiệm, nhận thức điều đó sâu sắc và biến thành giá trị sống của bản thân”.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm, ông đã góp ý vào Luật Giáo dục là cần xác định vai trò, vị trí của giáo viên chủ nhiệm. Họ phải được đào tạo, bồi dưỡng đủ năng lực để làm việc này. Hiện ở nhiều trường công lập, công tác chủ nhiệm gần như được làm theo kiểu không công, nhưng ở các trường dân lập như trường THPT Đinh Tiên Hoàng thì giáo viên chủ nhiệm được trả 3-5 triệu đồng/tháng. Tại sao các trường công lập không có cơ chế đãi ngộ như vậy để chọn được những người có năng lực sư phạm tốt, có kinh nghiệm làm giáo viên chủ nhiệm?
Hơn nữa, những vụ việc học sinh đánh bạn ngày càng tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng còn do chúng ta chưa làm rõ trách nhiệm của học sinh và gia đình. Ví dụ, HS có hành vi bạo lực thì bị xử phạt hành chính, và gia đình phải có trách nhiệm nộp phạt chứ không phải chỉ xin lỗi là xong. Đặc biệt, với HS cũng phải có hình phạt phù hợp để giáo dục HS chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của mình như: dọn vệ sinh trường lớp.
Khi xảy ra vụ việc, nếu chỉ cách chức ban giám hiệu, đình chỉ giáo viên hoặc đuổi học học sinh thì nạn bạo hành vẫn không thể được ngăn chặn./.
Thu Hằng (vov.vn)