Thứ Năm, 26/9/2024
Chính sách
Thứ Ba, 16/3/2010 21:12'(GMT+7)

Khơi dậy nguồn sáng tinh thần

Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội khám bệnh cho cựu TNXP, gia đình thương binh, liệt sĩ ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội khám bệnh cho cựu TNXP, gia đình thương binh, liệt sĩ ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, nhưng không ít người trong số họ vẫn phải vật lộn với cuộc sống muôn bề khó khăn; bên cạnh đó, nhiều chế độ, chính sách mà Đảng, Nhà nước dành cho họ vẫn chưa được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.

Xóa mặc cảm

35 năm sau chiến tranh, đã có lúc nhiều người nghĩ rằng lực lượng TNXP bị… lãng quên, do việc chậm giải quyết các chế độ chính sách. Điều đó dẫn đến những băn khoăn, thậm chí không ít mặc cảm trong họ. Và rồi đến năm 1999, Quyết định 104/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời đã phần nào xoa dịu vết thương lòng và làm vơi nỗi buồn của hàng vạn cựu TNXP và người thân của họ. Theo thống kê của TƯ Đoàn và Bộ LĐ-TB&XH, sau 10 năm thực hiện QĐ 104, cả nước đã có hơn 12 vạn cựu TNXP được hưởng chế độ chính sách với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Điều này thể hiện lòng tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với thế hệ thanh niên đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, khơi dậy niềm tự hào đối với lớp người được rèn luyện, thử thách trong kháng chiến và góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.

Ông Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch TƯ Hội Cựu TNXP Việt Nam cho biết: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, nhiều cựu TNXP không cam chịu đói nghèo, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Song do hậu quả của chiến tranh, rất nhiều người bị thương tật, nhiễm chất độc hóa học, mất sức lao động, bệnh tật kéo dài nên sức lực đã giảm sút. Song, tinh thần TNXP vẫn luôn tỏa sáng, là điểm tựa cho lớp con cháu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của TƯ Hội Cựu TNXP, hiện vẫn còn khoảng hơn 50% cựu TNXP chưa được giải quyết chế độ, chính sách do nhiều người không còn giữ được giấy tờ gốc; việc kê khai, xác nhận hồ sơ không đúng quy định, thiếu chính xác, phải làm lại nhiều lần. Đoàn Thanh niên được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện chính sách TNXP nhưng không có đội ngũ cán bộ chuyên trách, chỉ làm kiêm nhiệm nên tiến độ các bước giải quyết chính sách chậm so với yêu cầu. Ngoài ra còn vì một số nội dung văn bản hướng dẫn thực hiện QĐ 104 của Chính phủ chưa phù hợp với tính chất đặc thù của đối tượng hưởng chính sách; một số nội dung quan trọng của QĐ không được hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Tâm nguyện

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện QĐ 104 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, nhiều đại biểu đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có cơ chế đặc thù đối với hoạt động tổ chức Hội và giải quyết chế độ đối với các trường hợp tồn đọng. Theo Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Anh Nhưỡng, việc thực hiện chính sách, chi trả trợ cấp theo chế độ cho cựu TNXP thời gian qua là chưa đồng bộ, thiếu sự động viên, khích lệ. Ví như, cùng là đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ nhưng dân quân trực chiến ở miền Bắc được trợ cấp chế độ, còn TNXP phục vụ chiến đấu ở tuyến lửa miền Bắc không được trợ cấp. Trong khoản 2, Điều 2 của QĐ 104 quy định các đối tượng TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến được ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, Quỹ xóa đói giảm nghèo để sản xuất, cải thiện đời sống, nhưng đến nay nhiều cựu TNXP chưa được vay; mới có khoảng 12 nghìn TNXP được vay qua kênh của các tổ chức đoàn thể như CCB, Hội Phụ nữ. Đây là thiệt thòi lớn cho cựu TNXP.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, nhiều TNXP ở các huyện miền núi tiếp cận chủ trương chậm, nên khi xác lập được hồ sơ thì hết thời hạn thực hiện. Bên cạnh đó, quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ của một số xã, phường còn gặp khó khăn, lúng túng do hội đồng thẩm định cơ sở chưa hiểu đầy đủ về các phiên hiệu và tính đặc thù của lực lượng TNXP. Có nơi quá cẩn thận, gây phiền hà; có nơi sơ sài, thực hiện không đúng quy định, nên hồ sơ liên tục bị trả lại, dẫn đến chậm, muộn. Tỉnh Nghệ An đã xác lập hơn 4.000 hồ sơ đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi, nhưng còn hơn 1.000 hồ sơ của cựu TNXP chưa được tiếp nhận do thiếu giấy tờ, đa số họ tuổi lại cao, bị ốm đau, bệnh tật, cư trú rải rác ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa nên rất khó khăn…

Với cựu TNXP thuộc đối tượng tồn đọng, việc giải quyết chế độ, trao trợ cấp cho họ không chỉ góp phần giảm bớt khó khăn mà còn củng cố lòng tin của họ đối với Đảng, Nhà nước. Và khi công nhận các trường hợp tồn đọng là cựu TNXP cũng có nghĩa là đã khơi dậy nguồn sáng tinh thần trong họ, giúp họ thắp mãi ngọn lửa truyền thống TNXP. Mong ước giản dị nhưng vô cùng thiết thực ấy cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội./.

Trong tổng số 125.952 TNXP đã được hưởng chế độ chính sách theo QĐ 104 của Chính phủ, có 4.897 liệt sĩ, 33.872 thương binh; còn lại đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần và thường xuyên. Trong đó, kinh phí chi trả trợ cấp một lần 125,43 tỷ đồng, vượt 64,43 tỷ đồng so với kế hoạch. Ngoài ra, 1.967 trường hợp được hưởng chế độ như thương binh; 3.197 TNXP và con đẻ TNXP được hưởng chế độ trợ cấp do nhiễm chất độc hóa học; 62.650 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 3.034 thân nhân liệt sĩ được cấp chế độ mai táng phí và 25.385 hộ được trợ cấp chế độ hộ nghèo. Cả nước đã quy tập 800 hài cốt liệt sĩ TNXP; huy động nguồn lực trong xã hội xây dựng 560 ngôi nhà tình nghĩa, xóa 1.100 nhà dột nát, tặng 15.600 sổ tiết kiệm cho cựu TNXP.


(Theo: Vũ Thuỷ/HNM)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất