Ngay sau khi ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, yêu
cầu khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận thông tin liên quan Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, được phát đi qua các phương
tiện thông tin đại chúng, dư luận nhân dân rất hoan nghênh, kỳ vọng vào
tinh thần quyết liệt chống tiêu cực của người đứng đầu Đảng ta. Tổng Bí
thư nhấn mạnh đây là việc cần làm ngay.
Đem xe tư nhân gắn biển số xanh là hành động tùy tiện của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ có chức quyền ở Hậu Giang; cách giải thích về việc làm sai trái của những người trong cuộc càng cho thấy sự bao biện không thể chấp nhận mà báo chí đã phân tích. Với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, sai phạm này sẽ được xử lý nghiêm minh. Theo chúng tôi, một trong những “việc cần làm ngay” mà Tổng Bí thư chỉ đạo còn nghiêm trọng, phức tạp hơn, đó là “di sản” của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, vì thế, mới yêu cầu chín cơ quan cùng vào cuộc. Chắc chắn đó là những sai phạm liên quan đến công tác quản lý thuộc nhiều lĩnh vực cần làm rõ để xử lý.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao một doanh nghiệp, cụ thể là Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam, đang làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng mà Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh lại được rời “ghế gãy” để lên làm Phó Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Bộ Công thương, rồi đến tháng 5-2015, được luân chuyển vào làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Điều đáng nói, trong thời gian này, Chính phủ đã yêu cầu phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ ở doanh nghiệp mà ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT.
Tình trạng tiêu cực, tham nhũng đã được Đảng ta cảnh báo từ lâu và chỉ đạo quyết liệt để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, nhưng kết quả còn rất hạn chế. Đây là nguyên nhân làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong bài phát biểu tại Hội nghị công tác dân vận toàn quốc, ngày 27-5 vừa qua, Tổng Bí thư trăn trở, nêu rõ: “Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật chất, tiền tài, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất chính. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên,…”. Đồng chí nhấn mạnh, một vấn đề hết sức quan trọng là phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với vụ việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang là nhằm biến quyết tâm chính trị của toàn Đảng thành hành động, việc làm cụ thể quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mong rằng, từ vụ việc này, tất cả các cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành cần rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, củng cố niềm tin với Đảng. Trước hết là trong công tác bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ; chính sách sử dụng tài sản công; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có vụ việc nổi cộm; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng, tiêu cực,... Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Cần tăng cường kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo; việc phát hiện, xử lý tham nhũng; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế,…
Chúng ta hy vọng và mong muốn rằng chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ khơi dậy quyết tâm mới, tinh thần mới trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.
Bắc Văn/Nhân dân