Mỹ và Việt Nam vừa đạt được thỏa thuận về việc chuyển đổi hoàn toàn lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt từ nhiên liệu uranium độ giàu cao sang uranium độ giàu thấp.
Đây là một phần trong Sáng kiến Giảm nguy cơ toàn cầu của Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Sáng kiến này được tiến hành để cắt giảm và bảo vệ các vật liệu phóng xạ và hạt nhân dễ bị mất mát ở các địa điểm dân sự trên toàn thế giới.
Đại sứ của Mỹ tại IAEA hôm qua ca ngợi thỏa thuận này. "Đây là ví dụ điển hình về sự mở rộng hợp tác hạt nhân dân sự cũng như là để bảo đảm chống phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Glyn Davies phát biểu trong một cuộc họp ở Hà Nội.
Mỹ, Nga và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã khởi động một chương trình ba bên hồi tháng 12/1999 với các cuộc thảo luận về việc đưa trở lại Nga nhiên liệu nguyên tử độ giàu cao do Nga cung cấp từ các lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân bên ngoài nước Nga. Họ đã xác định được hơn 20 lò phản ứng như vậy ở 18 nước, trong đó có một lò ở Đà Lạt.
Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt vận hành lò phản ứng có công suất 500 KW, được xây dựng năm 1963 với sự trợ giúp của Mỹ, để sản xuất các chất đồng vị sử dụng trong y tế và tiến hành nghiên cứu hạt nhân.
Đại sứ Davies cũng khẳng định việc Mỹ muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. "Việt Nam đang trở thành một nước có vai trò lãnh đạo ngày càng quan trọng ở Đông Nam Á, kể cả trong các vấn đề về hạt nhân. Việt Nam có quan điểm về không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như an toàn và an ninh về hạt nhân rất tương đồng với Mỹ", ông Davies cho hay.
Trong hai ngày ở Việt Nam, đại sứ Mỹ ở IAEA đã tới thăm một số bệnh viện và trung tâm năng lượng nguyên tử ở TP HCM. Ông mô tả chuyến thăm này là "rất thú vị và đầy khích lệ".
Ông đã nói chuyện với các bác sĩ và những người làm công tác y tế liên quan tới hạt nhân. "Họ sử dụng các công nghệ này để chuẩn đoán cũng như điều trị ung thư, phát triển các giống lúa mới, nghiên cứu áp dụng năng lượng hạt nhân để diệt bệnh trên các loài gia súc và nghiên cứu sử dụng các chất đồng vị phóng xạ để xử lý nguồn nước".
Chuyến thăm Việt Nam là một phần trong chuyến công du Đông Nam Á của Davies. Các nước khác ông đi thăm trong dịp này bao gồm Singapore và Indonesia.
Hải Ninh - VnExpress