(TCTG)- Ngày 30/11, các bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ có cuộc họp, đánh dấu tròn 10 năm diễn ra sự kiện biểu tình bạo lực bên ngoài Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Seattle, Mỹ, để phản đối tổ chức này phát động vòng đàm phán mới tự do hóa thương mại toàn cầu. Tờ ''Người Bảo vệ'' (Anh) ngày 25/11 có bài phân tích về những lý do WTO nên dừng mọi cuộc đàm phán vào thời điểm này.
Theo bài báo trên, các bộ trưởng tham dự hội nghị năm nay đang có tâm trạng lo lắng, không phải vì lý do an ninh mà bởi tương lai của tổ chức đầy uy tín này đang bị đe dọa. Sau lần bị biểu tình ở Seattle, cuối cùng WTO cũng phát động được vòng đàm phán mới tại Đôha hai năm sau đó. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay các cuộc đàm phán liên tục đi từ thất bại này đến thất bại khác. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ khăng khăng đòi các nước đang phát triển phải mở cửa các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp cho hàng nhập khẩu, song lại từ chối cắt giảm trợ cấp một cách thực chất cho ngành nông nghiệp trong nước. Các nước đang phát triển liên kết với nhau để chống lại đòi hỏi của EU và Mỹ, nhưng cũng không thực hiện được chương trình nghị sự mà họ đã cam kết.
Bất chấp thực tế này, Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy đang kêu gọi kết thúc nhanh vòng đàm phán Đôha bởi nó sẽ giúp các nước nghèo thoát khỏi nghèo đói. Sự lo lắng mà ông Lamy dành cho các nước nghèo là đáng ngạc nhiên. Khi còn là Ủy viên Thương mại EU, ông nổi tiếng là người chạy theo đòi hỏi của các tập đoàn mà không quan tâm tới quyền lợi của ngưởi nghèo và các nước nghèo. Các chuyên gia nhận định rằng các bản dự thảo thỏa thuận đang nằm trên bàn đàm phán hiện nay chủ yếu có lợi cho các nước giàu nhất và cho một số lĩnh vực xuất khẩu của một vài nước đang phát triển mạnh. Phân tích của Ngân hàng Thế giới cho thấy 80% lợi ích có được từ vòng đàm phán Đôha sẽ rơi vào tay các nước giàu và 6 nước khác gồm Trung Quốc, Thái Lan, Ân Độ, lnđônêxia, Áchentina và Braxin sẽ chiếm hầu hết phần còn lại.
Trong khi đó, các nước châu Phi cận Xahara một lần nữa sẽ chịu thua thiệt và nhiều nước khác, như Băngla Đét, sẽ bị suy giảm về thương mại. Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu chấm dứt các cuộc đàm phán tại WTO. Phong trào liên minh thương mại quốc tế đã kêu gọi mọi chính phủ thành viên trong WTO không ký vào thỏa thuận, vì cho rằng nó sẽ tác động xấu tới các lĩnh vực công nghiệp và chế tạo của họ. Theo một nghiên cứu của tổ chức từ thiện ''War on Want'' có trụ sở tại Luân Đôn, hàng triệu việc làm trên thế giới đang bị đe dọa bởi những thỏa thuận thương mại đang được đàm phán ở WTO.
Nhiều chuyên gia cũng đề nghị ngừng ngay các cuộc đàm phán WTO trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Họ cho rằng việc mở cửa và dỡ bỏ hơn nữa các quy định kiểm soát trên thị trường tài chính bất chấp khuyến cáo việc này là lý do chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Một ủy ban tư vấn của LHQ do nhà kinh tế Stiglitz đứng đầu thậm chí còn kêu gọi dỡ bỏ các quy định kiểm soát tài chính hiện thời của WTO.
Phong trào nông dân quốc tế đã kêu gọi dừng các cuộc đàm phán của WTO trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn được cho là đe dọa phát triển nông thôn và cuộc sống của nhiều nông dân nghèo trên thế giới. Dưới góc độ môi trường cũng có nhiều ý kiến kêu gọi WTO ngừng đàm phán. Các nhà môi trường đã chứng minh rằng cách tiếp cận ''thương mại hóa'' đối với các vấn đề buôn bán, công nghiệp và nông nghiệp của WTO sẽ xóa sạch mọi thành quả đạt được tại hội nghị thượng đỉnh môi trưởng LHQ sắp tới/.
(Nguồn TTXVN)