Xây nhà trái phép - Không thể đổ lỗi do Nghị định
ĐB Thi Thị Tuyết Nhung chất vấn: Trong
thời gian qua, trên phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo UB MTTQ
TP tại kỳ họp này cũng nêu vấn đề xây dựng trái phép, nhất là ở vùng
ven, nổi cộm là ở huyện Bình Chánh hiện nay xây nhà trái phép trên đất
nông nghiệp. “Chúng ta có đầy đủ hệ thống chính trị ở cơ sở, trong thời
gian dài như vậy, quản lý địa bàn như thế nào? Trách nhiệm của chính
quyền địa phương ở đây như thế nào? Có sự bao che của chính quyền địa
phương, của một cá nhân nào đó hay không mà để cho các đầu nậu lọng hành
như vậy?”.
ĐB Huỳnh Công Hùng nêu lên thực trạng:
Đối tượng xây dựng trái phép chủ yếu rơi vào những người có thu nhập
thấp, nhưng chính những người này họ thực sự có nhu cầu về nhà ở. “Dĩ
nhiên sai thì phải xử lý, nhưng nếu xử lý bằng hành chính liệu có căn cơ
không? Nên chăng TP cần quy hoạch, xây dựng những khu dân cư “bình dân”
để phục vụ đối tượng này, đặc biệt là công nhân ở các khu chế xuất, khu
công nghiệp?”.
Trả lời, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần
Trọng Tuấn cho rằng, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trách
nhiệm trước hết là của chính quyền địa phương. Vị giám đốc này thông
tin: Theo tổng hợp của Sở Sở Xây dựng, từ đầu năm đến 30/6/2013, trên
địa bàn TP có tổng cộng hơn 2.600 trường hợp xây dựng trái phép. Trong
đó, từ 1/13 – 15/5/2013 (thời điểm Nghị định 26 của Chính phủ có hiệu
lực chấm dứt hoạt động của lượng lượng thanh tra xây dựng ở quận huyện,
phường- xã, thị trấn ở TPHCM và Hà Nội) xảy ra hơn 1.100 trường hợp;
nhưng từ 15/5 - 30/6, lại xảy ra nhiều hơn (hơn 1.500 trường hợp).
Lý giải tình trạng này, ông Trần Trọng
Tuấn cho biết: Khi Nghị định 26 ra đời đã tác động đến tư tưởng của
2.963 thanh tra xây dựng ở quận huyện, phường- xã, thị trấn ở TPHCM, họ
đã phần nào xao nhãng, lơ là, buông lỏng trong công việc được giao,
trong chức trách nhiệm vụ của mình. Thêm vào đó, khi TP thực hiện kiện
toàn lực lượng theo Nghị định 26 thì số lượng nhân sự tham gia thực thi
nhiệm vụ này giảm tới 1/3 (từ 2.963 người xuống còn 1.060 người), trong
khi đó địa bàn thì quá rộng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát
sinh xây dựng trái phép.
Không đồng tình với cách lý giải của ông
Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu:
“Phải nhìn nhận thẳng vấn đề chứ không “đỗ lỗi” do Nghị định. Không thể
có chuyện cái nhà to đùng như thế được xây lên mà chính quyền địa phương
không hề biết”. Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nghị định 26 của Chính
phủ cần có thời gian hiệu lực sau khi ký. Tình trạng phát sinh xây dựng
trái phép nhiều bắt nguồn từ đây, nhưng Sở Xây dựng đã thiếu chủ động
trong công tác xây dựng cơ chế phối hợp quản lý, xử lý tình trạng này.
“Chúng tôi cũng không loại trừ nguyên
nhân có tiêu cực trong cán bộ thanh tra xây dựng ở quận huyện, phường-
xã, thị trấn” – ông Trần Trọng Tuấn thừa nhận và cho rằng, khi phát hiện
tiêu cực, lãnh đạo Sở Xây dựng đã trực tiếp xuống địa bàn là những
“điểm nóng” để nắm tình hình, có giải pháp ngăn chặn ngay. Riêng ở Bình
Chánh, nơi mà sau khi Nghị định 26 có hiệu lực, tình trạng xây dựng trái
phép chiếm hơn 47% của toàn TP, lãnh đạo Sở đã tiến hành kiểm tra, và
trực tiếp Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã làm việc với lãnh
đạo huyện Bình Chánh để chỉ đạo ngăn chặn, xử lý ngay. Cũng ngay sau
buổi làm việc, TP đã thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý dứt điểm
các vụ việc, thời hạn chậm nhất đến ngày 15/8/2013 sẽ xử lý dứt điểm các
trường hợp sai phép tại Bình Chánh.
Ông Trần Trọng Tuấn cho biết, quan
điểm của Sở là không bao che, sai phạm tới đâu xử tới đó. “Tôi
cũng thường xuyên nhận được tín nhắn tố giác của quần chúng,
khi tôi đi kiểm tra thì đúng như quần chúng nói, có sai phạm
thật đã có kiểm điểm các bí thư phường, xã để ra tình trạng
xây dựng không phép, trái phép ồ ạt. Thậm chí, ngành công an
cũng đã khởi tố và xử lý hình sự với các phó chủ tịch
phường, thanh tra xây dựng ở phường, xã. Đồng thời, đã có một
số cán bộ được luân chuyển đi nơi khác” - ông Tuấn khẳng định.
“Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã
và đang triển khai các giải pháp không để nở rộ tình trạng xây dựng
trái phép trên địa bàn TP nữa. Trong đó có nhiệm vụ kiện toàn, bổ sung
lực lượng thanh tra xây dựng Sở” – ông Trần Trọng Tuấn cho hay.
“Nóng” vấn đề hàng tồn căn hộ
Bức xúc trước tình trạng hàng tồn trong
lĩnh vực bất động sản, tại phiên chất vấn, ĐB Võ Văn Sen nêu vấn đề:
“Hàng tồn trong lĩnh vực bất động sản lớn hơn nhiều so với báo cáo của
UBND TP. Với khối lượng tồn kho lớn như thế thì hướng giải quyết của
chúng ta hiện nay đã đáp ứng yêu cầu đặt ra chưa? Bởi tồn ở đây không
chỉ là những dự án đã hoàn thiện mà cả ở những dự án dang dở?”.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng
Tuấn thừa nhận thực trạng nêu ra và cách lập luận của ĐB Sen là hoàn
toàn hợp lý và đúng thực trạng hiện nay. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng,
hàng tồn trong bất động sản thể hiện ở 3 loại: Công trình xây dựng, căn
hộ và quyền sử dụng đất đưa vào kinh doanh. Báo cáo của UBND TP đề cập
là tồn căn hộ.
Ông Tuấn cho biết, điều TP quan tâm giải
quyết hiện nay là hơn 14.000 căn hộ đang tồn. Hiện nay chỉ mới giải
quyết được 14% và mục tiêu TP đề ra là phấn đấu từ nay đến cuối năm giải
quyết hơn 40% trong tổng số 14.000 căn hộ đang tồn hiện nay. “Trừ những
sản phẩm mang tính đặc thù ra, hiện nay nhu cầu căn hộ trên địa bàn TP
đã có những dấu hiệu tích cực” – ông Tuấn lạc quan nói.
Liên quan đến gói kích cầu 30.000 tỷ của
Chính phủ, ĐB Võ Văn Sen đặt vấn đề: TPHCM là thành phố lớn nhất nước,
nếu không dành được sự ưu tiên trong gói kích cầu này là dở? Sở Xây dựng
có ý kiến gì về vấn đề này?
ĐB Nguyễn Thị Bích Thủy hỏi: “Hiện tại
lực lượng công nhân lao động TP chiếm gần 70%. Qua các chương trình gặp
gỡ đối thoại thì công nhân bức xúc nhất là nhu cầu nhà ở xã hội. Vậy TP
có giải pháp nào giải quyết vấn đề này? Công nhân lao động có được tham
gia vào gói kích cầu 30.000 tỷ của Chính phủ hay không? ĐB Võ Văn Sen
tiếp: “Khu vực giáo dục là khu vực hết sức quan trọng, thế nhưng thực tế
hiện nay nhiều giáo viên chưa có nhà, Sở Xây dựng có giải pháp, có dự
án nào giúp đỡ những người này chưa?
Trả lời, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần
Trọng Tuấn thừa nhận, hiện nay nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động
là rất lớn. TP hiện có 6 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành, đáp ứng
hơn 10.000 chổ ở cho công nhân. Có 4 dự án hiện đang được đang triển
khai, dự kiến đáp ứng cho hơn 7.600 chổ ở cho công nhân lao động.
Theo quy định, gói tín dụng 30.000 tỷ
của Chính phủ sử dụng 1/3 giải ngân cho doanh nghiệp thực hiện các dự án
nhà ở xã hội và 2/3 dành cho người vay mua nhà. “Nhiệm vụ của chúng tôi
là phải thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa ngân hàng – doanh nghiệp,
giữa đối tượng được vay (khách hàng là cá nhân) – với ngân hàng. Chúng
tôi sẽ bàn bạc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM để tháo gỡ khó
khăn trong quá trình triển khai” - ông Tuấn khẳng định và cho biết, hiện
có 18 trường hợp là cá nhân vay vốn đang được giải ngân.
“Ngay tuần sau, khi TP triển khai dự án
3.000 căn nhà ở xã hội, hy vọng số lượng khách hàng được tiếp cận, vay
vốn từ gói kích cầu này sẽ được nâng lên. Quan điểm của TP, của Sở Xây
dựng là không để xảy ra trường hợp đẩy hàng tồn kho nhà ở thương mại
sang nhà ở xã hội” – ông Tuấn quả quyết.
Đánh giá phần chất vấn và trả lời chất
vấn của Giám đốc Sở Xây dựng và một số sở ban ngành liên quan, Chủ tịch
HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: Không thể nói một cách đầy đủ, rõ
ràng, cặn kẽ do hạn chế về thời gian, tuy nhiên, phần trả lời cơ bản đã
được đại biểu đồng tình và cơ bản thỏa mãn những ý kiến nêu ra của đại
biểu và cử tri TP. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhận
định, để giải quyết những tồn tại, hạn chế, cần nhiều giải pháp căn cơ,
đồng bộ chứ không chỉ là những giải pháp trước mắt và không phải một sớm
một chiều mà có thể giải quyết ngay được. Do đó, đề nghị sắp tới cần
tăng cường thanh tra đối với lĩnh vực xây dựng. Có giải pháp hiệu quả,
mang tính hiệu lực cao hơn trong xử lý đối với những trường hợp xây dựng
trái phép, phải làm sao để nhân dân đồng thuận, tạo niềm tin trong nhân
dân.
NHẬT THỤY