Trong những ngày qua, dư luận cả nước lại được dịp nóng lên quanh việc thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Theo đó, từ ngày 10/11/2012 Nghị định 71/2012/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực với nhiều điều khoản và phần mục sửa đổi so với Nghị định 34/2010/NĐ-CP theo hướng chi tiết, chặt chẽ hơn và tăng mức phạt tiền ở nhiều hành vi vi phạm có tính nghiêm trọng. Trong đó, người dân đặc biệt chú ý đến quy định về xử phạt lỗi sử dụng phương tiện tham gia giao thông không sang tên đổi chủ với mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên báo chí hôm qua, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (Cục trưởng CSGT đường bộ - đường sắt) cho biết: "Hiện mức lệ phí trước bạ từ 10 - 15% (ô tô dưới 10 chỗ) tùy theo địa phương, nhưng tới đây sẽ có thông tư hướng dẫn, giảm mức lệ phí này xuống chỉ còn 1 hoặc dưới 1%". Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cũng khẳng định: "Do thiếu tuyên truyền, cách diễn đạt chưa chuẩn đã dẫn tới hiểu sai: Không có chuyện phạt xe không chính chủ, mà phạt xe chưa chuyển quyền sở hữu đúng quy định".
Thực tế, tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vẫn rất phức tạp, nên cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông thì việc siết chặt các quy định cũng là giải pháp được tính đến nhằm tháo gỡ và giúp cải thiện tình hình. Nghị định 71/2012/NĐ-CP là một trong những bước đi trong tình hình hiện nay, cần được dư luận nhân dân ủng hộ.
Tuy nhiên, quá trình ban hành Nghị định chưa làm tốt công tác tuyên truyền, gây hoang mang cho nhân dân mấy ngày qua là trách nhiệm của các cơ quan tham mưu. Trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục có những phát biểu, giải thích theo hướng giảm những căng thẳng cho người dân, nhưng không đúng với những thông tin đưa ra ban đầu. Đây là điều không nên có trong việc tuyên truyền và thực thi văn bản, quy định pháp luật khi đã ban hành. Vấn đề mấu chốt cần rút kinh nghiệm là công tác tham mưu chưa sâu sát với tình hình thực tế, để đến khi dư luận rộ lên thắc mắc thì mới điều chỉnh, như thế mất đi tính nghiêm minh của các quy định. Chúng ta đã chứng kiến không ít những đề xuất trong lĩnh vực giao thông đường bộ và quản lý phương tiện cá nhân không phù hợp thực tế để rồi phải thay đổi, hoặc "tự làm ngơ", gây tâm lý "nhờn luật".
Hiện tại có quá nhiều xe không chính chủ, đó là thực trạng phản ánh tính hình thức, lỏng lẻo trong việc quản lý phương tiện giao thông cá nhân. Để siết chặt việc quản lý đối với lĩnh vực này cần một lộ trình đồng bộ sao cho việc sang tên đổi chủ được thuận tiện, người dân không bị thêm một lần phiền hà, sách nhiễu. Vì vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chấp hành pháp luật là vấn đề cần quan tâm hằng ngày, vì đây là mối quan hệ giữa dân với chính quyền, giữa dân với Đảng./.
(Trần Duy Văn/QĐND)