Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 11/3/2012 18:29'(GMT+7)

Không để mạnh ai nấy làm

Khèn Mông, một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông không nhất thiết phải đội mũ “festival” thì vẫn hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Biểu diễn khèn Mông của các hạt nhân văn nghệ quần chúng huyện Xín Mần (Hà Giang) tại cộng đồng. (Ảnh: NVH).

Khèn Mông, một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông không nhất thiết phải đội mũ “festival” thì vẫn hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Biểu diễn khèn Mông của các hạt nhân văn nghệ quần chúng huyện Xín Mần (Hà Giang) tại cộng đồng. (Ảnh: NVH).

Trước thực trạng đó, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã xây dựng dự thảo Quy chế tổ chức festival ngành nghề nhằm đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp lý, ngăn ngừa những lãng phí không cần thiết.

Festival - quảng bá văn hóa, khơi nguồn đầu tư

Festival đã có lịch sử khá lâu đời ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với nước ta, festival - một loại hình văn hóa nghệ thuật tổng hợp với sự tham gia của đông đảo người dân, du khách - mới chỉ thực sự được biết đến khi Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 tại TP Huế. Từ đó đến nay, qua 6 lần tổ chức với quy mô ngày càng lớn, hình thức, nội dung liên tục được đổi mới, Festival Huế thực sự hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Không chỉ xây dựng được một “thương hiệu văn hóa” có tầm cỡ, thông qua 6 kỳ tổ chức festival, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã gặt hái được nhiều kết quả bội thu về kinh tế.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trước năm 2000, mỗi năm tỉnh chỉ thu được khoảng 300 tỷ đồng. Hơn 10 năm qua, nhờ tổ chức các kỳ festival, địa phương này đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng thêm nhiều công trình mới, chỉnh trang và làm thay đổi diện mạo TP Huế theo hướng năng động, phát triển và hội nhập. Đến nay, nguồn thu của tỉnh đã đạt gần 2000 tỷ đồng, tăng gần 7 lần so với 10 năm trước.

Ngoài Festival Huế được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, một số festival gần đây như: Festival Lúa gạo Việt Nam, Festival Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), Festival Hoa Đà Lạt… bước đầu cũng thu hút được nhiều kết quả đáng khích lệ, từng bước tạo lập bản sắc và thu hút sự tham gia của đông đảo du khách.

Thành tựu lớn nhất mà các festival mang lại, theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, là các địa phương đã tạo ra sự đột phá về tuyên truyền, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tôn vinh các giá trị văn hóa, bồi đắp tinh thần dân tộc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong văn hóa du lịch.

Tổ chức mật độ dày, lãng phí lớn

Sau thành công bước đầu của một số festival tiêu biểu vừa nêu trên, nhiều địa phương, ngành nghề cũng đua nhau tổ chức các festival với tần suất, mật độ dày đặc. Chỉ tính trong 2 năm trở lại đây (2010- 2011), cả nước đã tổ chức 41 festival (bao gồm festival văn hóa-du lịch, festival văn hóa-xã hội, festival thương mại…). Nhiều sự kiện tuy tổ chức quy mô bình thường, song cũng “đội mũ” festival như: Festival Lâm sản Quy Nhơn, Festival Cây cảnh Bắc Ninh, Festival Rừng Đồng Nai, Festival Khèn Mông Hà Giang, Festival Thuận An Biển gọi, Festival Sinh vật cảnh Ninh Bình… Trong đó, đình đám nhất là Việt Nam Golf Festival 2011 kéo dài tới 4 tháng, tổ chức ở nhiều sân golf trải dài từ Bắc vào Nam.

Đề cập đến những bất cập trong việc tổ chức festival trong thời gian qua ở các địa phương, PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết:

- Chủ đề của các festival tuy khác nhau, nhưng nét độc đáo, đặc trưng riêng của mỗi festival lại chưa rõ ràng. Một số chương trình, kịch bản khai mạc festival nặng về sân khấu hóa do một ê kíp nghệ sĩ thực hiện nên không tránh khỏi sự đơn điệu, nhàm chán, thiếu hấp dẫn du khách.

Còn ông Ngô Hoài Chung, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) bày tỏ:

- Do quy luật cung cầu, nhu cầu tiếp thị quảng bá sản phẩm thông qua hoạt động dẫn đến việc tổ chức festival vừa kéo dài về thời gian, vừa chồng chéo nội dung, gây sự lãng phí về nhân lực và tiền của Nhà nước. Quy mô tổ chức sự kiện festival chưa tương xứng với tầm vóc sự kiện và mời quá nhiều quan khách không đúng quy định cũng làm giảm ý nghĩa, hiệu quả của không ít festival của nhiều địa phương trong thời gian qua. Trong khi đó, chất lượng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách ở những nơi tổ chức festival còn nghèo nàn, thiếu sức cạnh tranh, chưa biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương thành hiện thực.

- Vậy nguyên nhân dẫn đến những bất cập, tồn tại đó là do đâu, thưa ông?

Giải đáp băn khoăn của chúng tôi, ông Ngô Hoài Chung nói:

- Đó là do một số địa phương có biểu hiện phô trương hình thức, chưa tính đến hiệu quả văn hóa, kinh tế từ việc tổ chức festival. Mặt khác, trình độ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động festival của ngành văn hóa các địa phương và những người trực tiếp quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế, vừa thiếu kinh nghiệm tổ chức, vừa thiếu hiểu biết sâu về festival.

Siết chặt quản lý

Trước thực trạng các loại hình festival ở nhiều địa phương tổ chức theo kiểu “trăm hoa đua nở”, mạnh ai nấy làm gây nên tình trạng lãng phí, cuối tháng 2-2012, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Quy chế tổ chức festival ngành nghề trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hiện nay, dự thảo Quy chế tổ chức festival ngành nghề do Bộ VHTTDL soạn thảo đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng, nhà quản lý văn hóa và người dân trước khi trình Thủ tướng phê duyệt chính thức. Dự thảo quy chế này bao gồm 3 chương, 15 điều, quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích, nguyên tắc, nội dung, quy mô, thời gian, thủ tục, thẩm quyền quyết định tổ chức festival ngành nghề. Theo đó, chỉ có 4 loại hình festival được tổ chức, gồm: Festival ngành nghề thủ công truyền thống; festival ngành nghề nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; festival ngành văn hóa-thể thao và du lịch; festival ngành nghề khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Quy mô festival được phân định cũng chỉ có hai cấp: Festival ngành nghề cấp quốc gia tổ chức 2-3 năm một lần, mỗi lần không quá 7 ngày; festival ngành nghề cấp tỉnh tổ chức 2 năm một lần, mỗi lần không quá 5 ngày.

Như vậy, bằng việc siết chặt công tác quản lý, các địa phương, bộ, ngành, các hội nghề nghiệp không được tự ý tổ chức festival, cũng không còn tái diễn những festival kéo dài tới 4 tháng và nhất là không có chuyện dán “nhãn mác” festival một cách tùy tiện vào một số sự kiện như đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, một số festival tổ chức chỉ nặng về mục đích kinh tế, thương mại mà xem nhẹ các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc hay các festival lai căng sẽ không còn “đất sống”.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là, khi quy chế đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan chức năng và người dân, liệu các địa phương có “lách luật” để tiếp tục tổ chức rầm rộ các festival nữa hay không? Trả lời câu hỏi này của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Ngô Hoài Chung cho biết: Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các hoạt động lễ hội và festival, cùng với việc hoàn thiện dự thảo, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL chỉ cấp phép cho các địa phương, ngành nghề tổ chức festival đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức festival ở các địa phương, ngành nghề, có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết mọi trường hợp sai phạm để góp phần làm lành mạnh hóa không gian, môi trường văn hóa của các loại hình festival ở nước ta./.

Nguyên tắc tổ chức festival: Bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, lãng phí; không được coi nặng về mục đích kinh tế mà xem nhẹ các giá trị văn hóa, trái với đạo đức, phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống Việt Nam; không được lợi dụng tổ chức festival để huy động sai mục đích kinh phí dưới mọi hình thức đối với các tổ chức, cá nhân; chỉ tổ chức festival khi đã được cấp thẩm quyền cho phép".(Điều 3, dự thảo Quy chế tổ chức festival ngành nghề)

(Theo: Nguyễn Văn Hải/QĐND)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất