Thứ Hai, 2/12/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 17/3/2014 9:3'(GMT+7)

Không nên cố tình hiểu sai về quyền dân sự và chính trị

Trước việc Việt Nam áp dụng các biện pháp xử lý đối với một số đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, thời gian gần đây một số người tiếp tục bày tỏ quan điểm cho rằng mọi người đều có quyền tự do phát biểu, bày tỏ quan điểm của mình không ai được cấm đoán... Họ đã dựa vào Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để bảo vệ cho luận điểm của mình và cho rằng, Việt Nam đã vi phạm quyền tự do ngôn luận. 

Cần phải nói ngay rằng, những người có quan điểm như trên đã cố tình hiểu sai Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Để bảo đảm quyền con người, các công ước quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đặc biệt coi trọng lợi ích thiết yếu của mọi quốc gia là giữ vững hòa bình ổn định, an ninh và trật tự xã hội, chống khủng bố... Khoản 3 Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị đã quy định rất rõ việc thực hiện quyền tự do phát biểu quan điểm. Theo đó, khi thực hiện quyền này mọi người phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: "Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý".

Như vậy, mặc dù quyền tự do ngôn luận có tính cách hòa bình... được thế giới thừa nhận nhưng một khi các quyền này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng của quốc gia nào thì quốc gia đó có quyền giới hạn các quyền tự do ngôn luận có tính cách hòa bình nêu trên. Bên cạnh đó, Điều 20 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị cũng nghiêm cấm mọi hình thức tuyên truyền, cổ vũ chiến tranh, cũng như mọi hình thức gieo rắc căm hờn, xúi giục kỳ thị, hiềm khích, kích thích bạo động giữa các quốc gia, các chủng tộc, tôn giáo.

Như vậy Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 của Việt Nam quy định: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là hoàn toàn phù hợp với Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Mặt khác, nội dung của Điều 88 Bộ luật Hình sự là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam - một quốc gia đã phải trải qua biết bao năm chiến tranh chống giặc ngoại xâm mới giành lại được hòa bình, độc lập và tự do dân tộc. Mặc dù vậy, các lực lượng thù địch chưa từ bỏ tham vọng chính trị, đặc biệt những năm gần đây họ gia tăng nuôi dưỡng, sử dụng các phần tử, các tổ chức nước ngoài để cấu kết, móc nối với các phần tử phản động ở trong nước, ra sức tuyên truyền, kích động chống phá nhằm lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

An Quốc/QĐND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất