(TCTG) - Nội dung cuốn sách là những việc thật, người thật phản ánh diễn biến của cuộc chiến đấu trong 81 ngày đêm ác liệt chốt giữ Thị xã và Thành Cổ Quảng Trị.
Nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, 34 năm ngày giải phóng miền Nam, 37 năm giải phóng Quảng Trị, 75 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chiều 24-3, Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Vụ Báo chí-Xuất bản Ban Tuyên giáo TW và Quỹ Mãi mãi tuổi Hai mươi phối hợp tổ chức Họp báo giới thiệu cuốn sách “Khúc Tráng ca Thành Cổ”.
Cuốn sách dày 512 trang, khổ 19 x 24 cm, in trang trọng, bìa dày và sơ mi bọc hình ảnh Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm do Nhà xuất bản Văn hóa- Thông tin thực hiện năm 2008. Với những bài ghi chép, hồi ức, kể chuyện, bài thơ, bản nhạc, ký hoạ, ảnh tư liệu (200 ảnh đen trắng, 74 trang ảnh màu)… cuốn sách là công trình tri ân của 87 tác giả - hầu hết là cựu chiến binh – những người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Thành Cổ.
|
Họp báo giới thiệu cuốn sách (Ảnh: Minh Thế) |
Nội dung cuốn sách là những việc thật, người thật phản ánh diễn biến của cuộc chiến đấu trong 81 ngày đêm ác liệt chốt giữ Thị xã và Thành Cổ Quảng Trị được sắp xếp theo các phần khác nhau với 3 nội dung chính:
Tình hình tác chiến trong 81 ngày đêm (từ 28/6/1972 đến 16/9/1972).
Hồi ức về từng trận chiến đấu cũng như sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của người lính trong những thời khắc ác liệt đầy kỷ niệm.
Tình quân dân cũng như sự tri ân với những người đã hy sinh.
Với đội ngũ những người viết không chuyên, nhưng may mắn lại chính là người trong cuộc (trong số đó có nhiều người lính sinh viên rời giảng đường đại học ra trận), các tác giả đã mang đến cho người đọc vẻ đẹp của lý tưởng, hoài bão, khát vọng, nghị lực cống hiến và cả chất lãng mạn bay bổng của tuổi trẻ, của những người lính tài hoa. Mỗi bài viết được chắt ra tư hiện thực sinh động, xúc động người đọc bởi chính tính chân thực. Có thể đó mới chỉ là những câu chuyện mộc mạc, mô tả lại cuộc chiến đấu hào hùng của những anh bộ đội Cụ Hồ, thuộc các sư đoàn 304, 325, 320B, bộ đội địa phương Vĩnh Linh, Quảng Trị, huyện đội Hải Lăng… nhưng được viết bằng tấm lòng đồng cảm, tri ân. Đó là chuyện những chiến sĩ thuyền máy vận tải Trung đoàn 48 vượt qua bãi bom từ trường, dưới làn đạn địch ngược dòng sông tiếp vận cho Thành cổ; là chuyện chiến sĩ đặc công tấn công tiêu diệt căn cứ lính dù ngụy bị thương ra Bắc điều trị nhưng trở lại ngay chiến trường ngay dù vết thương chưa khỏi; chuyện hai anh em ruột ở Tiểu đoàn địa phương 8 vừa gặp nhau trong một trận đánh và cùng hy sinh; chuyện 20 chiến sĩ cảm tử Trung đội Mai Quốc Ca chặn địch ở đầu Cầu Sắt Thạch Hãn đã anh dũng hy sinh; chuyện o Lệ kiên trinh trước trước các trò tra tấn dã man “đi máy bay”, “đi tàu ngầm”, “đi chợ Đông Ba” của kẻ thù. Đó là những hồi ức của các vị tướng một thời gắn với chiến trường Trị-Thiên như Trung tướng Lê Tự Đồng, Trung tướng Sùng Lãm. Rồi cho đến những trang nhật ký của những anh chiến sĩ như Đào Chí Thành - sinh viên khoa Toán của Đại học Sư phạm I, Hà Nội-chiến sĩ thuộc C14, E95, sư đoàn 325, nhật lý của Trần Quốc Hưng, sinh viên Đại học Sư phạm, chiến sĩ đại đội 2, E68, sư đoàn 304 và đến cả những bài thơ trên đường hành quân của anh lính trẻ Nguyễn Văn Thạc (sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội)…
Và đó còn là những ca khúc viết ra bằng máu của trải nghiệm, hồi ức một thời hoa lửa, cảm tác sau chiến tranh của những cựu chiến binh đã từng đằm mình trong cuộc chiến khốc liệt và cả những người chưa tứng có mặt thời điểm đó nhưng sự xúc cảm đã tràn trào trong tác phẩm, như: Bạn tôi, Hoa tím lòng tôi (Nguyễn Văn Bằng), Nếu tôi không trở lại, Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Quý Lăng, Bàn chân người lính (Nguyễn Thụy Kha), Đồng đội ơi của Nguyễn Giang, Cỏ non Thành cổ của Tân Huyền... Không dừng ở đó, phần cuối cuốn sách còn dành viết về những hoạt động tri ân của cả nước đối với Quảng Trị, với những người chiến sĩ đã hy sinh, những người đang nằm dưới lớp cỏ non Thành cổ hòa máu thịt với đất và nước. Sự hồi sinh, phát triển của mảnh đất Quảng Trị sau khi chiến tranh kết thúc cũng được viết hết sức chân thành, cảm động của những trái tim đồng cảm, thương yêu...
Dù viết bằng thể loại nào, có thể còn thô tháp, nguyên sơ nhưng công trình tri ân này đầy sức nặng và gây xúc cảm mạnh mẽ trong lòng người đọc bởi sự chân thực trong tâm hồn người lính và tính xác thực của các chi tiết, sự kiện trong chiến tranh mà chỉ những người trong cuộc mới biết và cảm hiểu được.
Đánh giá cao cuốn sách “Khúc tráng ca Thành cổ”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã viết lời tuyên dương, được in tại trang đầu của cuốn sách “Tôi hoan nghênh các đồng chí đã biên soạn, xuất bản cuốn sách “Khúc tráng ca Thành cổ”, ghi lại cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, dài ngày của quân và dân ta, của nhiều Trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, binh chủng kỹ thuật thuộc nhiều binh đoàn chủ lực và bộ đội địa phương đã kiên cường trụ bám, anh dũng chiến đấu giành giật với địch bảo vệ thị xã – Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972. Chiến công Quảng Trị là một đỉnh cao của tinh thần anh dũng chiến đấu hy sinh của quân và dân ta vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc”.
Có thể nói “Khúc tráng ca Thành cổ” là cuốn sách rất có ý nghĩa đối với việc giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Mở đầu và kể cả khi khép lại cuốn sách, hình ảnh dòng sông Thạch Hãn như còn đau đáu trong tâm khảm mọi người khi nghĩ về mảnh đất Quảng Trị nóng bỏng, ác liệt mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương - một người lính đã sống chiến đấu ở Quảng Trị trong những năm tháng hào hùng đó đã viết bằng cả trái tim đồng cảm, tri ân:
Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ!
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi 20 thành sông nước.
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm./.
Lê Thị Bích Hồng
Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW