Theo Bộ Nội vụ, từ năm 1976-1986, việc sắp xếp đơn vị hành chính chủ yếu theo hướng hợp nhất. Sau 10 năm đó, cả nước có 451 đơn vị hành chính cấp huyện. Nhưng từ 1986 đến nay chủ yếu là chia tách với nhiều lý do như quá rộng, không thể quản lý được, chia tách để phát triển kinh tế… Tổng số đơn vị hành chính cấp huyện qua 30 năm đã tăng 277 đơn vị và cấp xã tăng 1.505 đơn vị.
Theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về quy mô dân số, huyện miền núi, vùng cao phải đạt từ 80.000 người trở lên, huyện còn lại từ 120.000 người trở lên.
Về diện tích tự nhiên, huyện miền núi, vùng cao từ 850 km2 trở lên, huyện còn lại từ 450 km2 trở lên.
Về tiêu chuẩn cấp xã, quy mô dân số xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên, xã còn lại từ 8.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên xã miền núi, vùng cao từ 50 km2 trở lên, xã còn lại từ 30 km2 trở lên.
Theo quy định này, hiện có tới 259 đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số (chiếm 36,33%). Trong đó, có 199 huyện (gồm 71 huyện miền núi, vùng cao; 120 huyện đồng bằng, trung du; 8 huyện hải đảo), 21 quận, 23 thành phố thuộc tỉnh và 16 thị xã.
Cấp xã cũng có tới 6.191/11.162 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn về về diện tích tự nhiên, quy mô dân số (chiếm 55,46%). Trong số đó, có 5.106 xã (gồm 1.922 xã miền núi vùng cao; 3.173 xã đồng bằng, trung du; 11 xã hải đảo), 794 phường (gồm 422 phường thuộc quận; 327 phường thuộc thành phố thuộc tỉnh; 45 phường thuộc thị xã) và 291 thị trấn.
Do vậy, Bộ Nội vụ đã soạn thảo đề án và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37. Mới đây, Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết 37 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Nghị quyết của Bộ Chính trị không nêu con số cụ thể nhưng theo Đề án Chính phủ trình thống kê từ các địa phương có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số sẽ được sáp nhập.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng cho biết, trong Nghị quyết có đưa ra mục tiêu cụ thể, năm 2019 sửa đổi, ban hành mới các quy định pháp luật trong đó có quy định liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo ông Phan Văn Hùng, trong năm nay sẽ rà soát, bổ sung hoặc ban hành quy định mới, đảm bảo việc triển khai thống nhất, đồng bộ. Trước mắt, áp dụng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đủ 50% tiêu chí về diện tích và dân số trong giai đoạn 2019 - 2021, sau đó tổng kết.
Việc tổ chức thực hiện sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để thể chế hoá Nghị quyết của Đảng. Sau đó Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể. Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ sẽ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện.
“Bộ đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương và Cổng thông tin Chính phủ để xin ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021", ông Phan Văn Hùng nói thêm.
KHUYẾN KHÍCH SẮP XẾP, TINH GỌN BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN
Theo ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ngoài những đơn vị chưa đạt hai tiêu chuẩn nêu trên, sẽ khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được phần lớn nhân dân đồng thuận.
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cũng cho biết thêm, Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Trong năm 2019, một trong những nhiệm vụ trong tâm là tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức chính phủ. Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay tới năm 2021 và sắp xếp thôn, tổ dân phố theo hướng ổn định và phát triển.
Bên cạnh đó, việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ liên quan tới tinh giản các chức danh lãnh đạo. Về vấn đề này, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho rằng: “Sắp xếp lại bộ máy sẽ ảnh hưởng tới các cán bộ, phải làm tốt công tác truyền thông để cán bộ đồng thuận và coi đây là việc bình thường. Có người đang làm trưởng sẽ xuống phó, thậm chí xuống làm nhân viên. Đây không phải là do năng lực yếu kém, mà do yêu cầu của tổ chức. Hy sinh vì sự nghiệp chung".
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trong Thừa cũng khẳng định, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của HĐND, UBND các cấp phù hợp với thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Trong hội nghị tổng kết toàn ngành Nội vụ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương và cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện phù hợp với chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế. Tập trung rà soát trình Chính phủ các văn bản sửa đổi các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế.
Báo Tin tức