Hạnh phúc không dễ có, khó giữ gìn
Lan (Như Phúc) là người phụ nữ
xinh đẹp, đã có chồng và một đứa con gái nhỏ xinh xắn, thế nhưng, Lan
lại không trân trọng niềm hạnh phúc gia đình không phải ai cũng có được
ấy, cô ngoại tình với một người đàn ông đã có gia đình, rồi vô ý giết
chồng. Sau 8 năm tù, Lan bơ vơ giữa cuộc đời, lạc cả đứa con gái nhỏ.
Với bản năng của con người luôn
hướng về phía trước, tiếp tục sống, kiếm tìm niềm vui, niềm hạnh phúc…
đã giúp Lan đi thêm bước nữa với ông Tuấn (NSƯT Thành Hội) - một doanh
nhân giàu có, rất mực yêu thương, nâng niu cô. Ông Tuấn luôn xem cô như
một cành hoa lan có vẻ đẹp thuần khiết, thanh tao, dịu dàng và ngọt
ngào. Lan sống với chồng mới và âm thầm giấu kín một quá khứ đau buồn,
chất chồng đầy tội lỗi của mình. Thế nhưng, cuộc đời người phụ nữ hai
lần đò ấy mỗi ngày lại bị dằn vặt, tự đấu tranh tâm lý, tự vật vã vì quá
khứ. Có lúc cô cũng muốn kể hết cho chồng sau nghe, nhưng lại sợ đối
mặt với sự thật nên phải đành kéo dài giải pháp im lặng, đau đớn dối lừa
trong niềm hạnh phúc gia đình hiện tại.
Đến một ngày, bà Tuyết (Lương
Duyên) - người phụ nữ bị Lan giật chồng năm xưa xuất hiện. Bà Tuyết gây
áp lực, ép Lan phải tác hợp cho hôn nhân của Thủy - con bà Tuyết và Dũng
- con riêng của ông Tuấn. Ngang trái là Dũng lại yêu Hạnh - một cô thợ
may chuyên may áo dài, nhà nghèo, hiền lành chân chất. Sau vài lần tiếp
xúc với Hạnh, Lan lại ngỡ ngàng nhận ra Hạnh chính là con ruột của mình.
Cô hoang mang, tâm trí lại bị giằng xé, day dứt về việc che giấu tội
lỗi năm xưa hay công khai phơi bày sự thật, làm cách nào có thể bảo vệ
được tình yêu của con trẻ, vì cô mong muốn được bù đắp cho đứa con gái
sau những năm tháng thất lạc.
Bi kịch câu chuyện lên đến cao
trào khi sự thật dần được phơi bày, hạnh phúc gia đình Lan rạn vỡ. Những
mâu thuẫn đầy kịch tính: sai lầm của người làm mẹ đã kéo theo nhiều hệ
lụy và sự đau khổ của những đứa con; sự thù hận và tình yêu con mù quáng
của người phụ nữ từng bị giật chồng đã khiến bà có những hành vi cư xử
thái quá, sai lệch; người chồng luôn tôn thờ tình yêu, hạnh phúc gia
đình, vỡ mộng vì sự lừa dối của người đầu ấp tay gối… tất cả đã tạo nên
nhiều cảm xúc, suy tư, sự lắng đọng cho người xem.
Dấu ấn
Trong vở kịch, bên cạnh đàn anh -
NSƯT Thành Hội, diễn viên Như Phúc đã tạo được nét diễn xuất rất riêng
khi hóa thân vào vai người phụ nữ có nội tâm phức tạp, luôn phải vật vã
giữa cuộc sống quá khứ và hiện tại, bị giằng xé trong quan điểm đúng -
sai, nói thật hay tiếp tục che giấu quá khứ tội lỗi. Dàn diễn viên trẻ
của sân khấu Hoàng Thái Thanh: Lương Duyên, Hoàng Vân Anh, Thế Hải,
Nguyễn Long, Quốc Thịnh, Cao Tiến… cũng có nhiều nỗ lực tạo nên một
không gian kịch hấp dẫn, lôi cuốn, xoáy sâu vào câu chuyện tình yêu, hôn
nhân, hạnh phúc gia đình.
Đặc biệt, vở kịch có sự góp mặt
diễn xuất của nhà thiết kế Sĩ Hoàng trong vai một tên giang hồ Hai Thẹo
hiền lành, hơi lanh chanh, nhưng lại vụng về, khờ khạo, không thích
chuyện đâm chém, đánh đấm mà rất thích may vá. Trong một cảnh, nhà thiết
kế Sĩ Hoàng cũng có một khoảnh khắc khoe với khán giả tài may máy không
cần nhìn đường kim mũi chỉ nhưng đường may vẫn rất sắc sảo. Với vai
diễn này, anh được hóa trang lạ lẫm với hình xăm đầy tay, trên mặt có
vết sẹo lớn chạy dài từ trán xuống gò má, môi thì bầm lại mất cả răng
cửa. Tính cách nhân vật Hai Thẹo thì loi choi, lăng xăng, ngờ nghệch…
khác xa với tướng mạo và phong cách đĩnh đạc thường ngày của nhà thiết
kế Sĩ Hoàng. Dù vậy, anh đã nhập vai và diễn rất tự nhiên, sống động,
giúp khán giả có nhiều tràng cười thú vị, sảng khoái. Đây là lần thứ hai
nhà thiết kế Sĩ Hoàng xuất hiện trên sân khấu kịch nói. Trước đây, anh
từng vào vai một đạo diễn chuyên gạ tình diễn viên trong vở Trò chơi
tham vọng của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.
Lạc giữa phố người là một câu
chuyện ý nghĩa về cuộc sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Trong cuộc
sống hiện đại, niềm hạnh phúc xem chừng rất đơn giản ấy không phải ai
cũng có được. Hơn thế, khi đã có được thì việc gìn giữ và trân trọng
niềm hạnh phúc giản đơn ấy lại ít được chú trọng. Bởi vậy, trong xã hội
đã có không ít gia đình đổ vỡ, cha mẹ ly dị rồi những đứa con bị buộc
phải sống thiếu thốn tình cảm người thân. Một thông điệp thật ý nghĩa và
có giá trị nhân văn với cuộc sống hiện đại ngày nay: Luôn có đầy rẫy
những cám dỗ nên rất cần ở mỗi thành viên trong gia đình một sự tỉnh táo
trước những cám dỗ ấy.
THÚY BÌNH/SGGP