Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 22/6/2014 9:15'(GMT+7)

Phim online - Con dao hai lưỡi

Cảnh trong phim sitcom Căn hộ số 69 do Nam Cito Creative thực hiện khiến không ít người xem đã phải lo ngại vì sự thô, nhảm và phản cảm.

Cảnh trong phim sitcom Căn hộ số 69 do Nam Cito Creative thực hiện khiến không ít người xem đã phải lo ngại vì sự thô, nhảm và phản cảm.

Trào lưu làm phim giới trẻ

Khoảng hai năm trở lại đây, rất nhiều nhóm làm phim nghiệp dư là các bạn trẻ có cùng đam mê, ưa thích sáng tạo đã liên tiếp trình làng các sản phẩm là các clip, phim ngắn. Một trong những nhóm nổi đình, đám hiện nay là nhóm DamTV (Dám TV) với phim ngắn “Kính vạn bông”; nhóm Phở với seri clip mang tính thời sự cao; nhóm BB&BG...

Cách làm phim này được giới trẻ ngày càng ưa chuộng bởi họ có thể thỏa sức sáng tạo với công cụ làm phim đơn giản, đôi khi chỉ là một chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Thêm nữa, việc quảng bá và đưa sản phẩm đến với công chúng lại vô cùng đơn giản, không tốn chi phí phát sóng với nhiều trang mạng xã hội hay trang YouTube. Còn phía người xem lại càng tiếp cận với những sản phẩm mang tính giải trí này một cách đơn giản, thuận tiện hơn mà không gặp trở ngại về khung phát sóng.

Song theo nhiều người phân tích thì để việc làm phim online trở thành một trào lưu chính là bởi bên cạnh sự đam mê, sáng tạo, kiểu làm phim ít tốt kém này còn hứa hẹn đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ từ các nhà tài trợ, các sản phẩm quảng cáo đồng thời mở ra cho họ vô vàn những cơ hội nghề nghiệp khác.
 
Như phim ngắn “Kính vạn bông” hóm hỉnh, hài hước của nhóm DamTV là một ví dụ khi chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút gần 14 triệu lượt xem và đó cũng là cánh cửa dẫn họ đến với nhiều lời mời tham gia những bộ phim chính thống cũng như đề nghị của các nhà tài trợ mong muốn các sản phẩm của họ có mặt trong các phim ngắn tiếp theo của nhóm. Các clip của DamTV giờ đây được người xem đánh giá cao bởi sự dàn dựng rất công phu, đầu tư không thua kém gì các bộ phim điện ảnh trong nước nhưng với nội dung ngắn gọn hơn.

Nhóm Phở - của những người thích ăn phở cũng có tốc độ tăng trưởng chóng mặt khi chỉ trong vòng nửa năm, trang fan page của Thích ăn Phở đã thu hút gần 1 triệu người theo dõi. Các video của nhóm đăng tải trên YouTube luôn đạt con số hàng triệu, trong đó video nhiều người xem nhất đã lên tới con số 5,7 triệu lượt. Cũng nhờ thế mà từ những thiết bị thô sơ ban đầu nhóm đã tái đầu tư nâng cấp đầu tư thiết bị dần trở nên chuyên nghiệp với những video clip có chất lượng cao.

Hay như nhóm làm phim giáo dục do Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu xây dựng tạo nên một kênh YouTube chuyên “tháo gỡ chuyện khó đỡ”, giải đáp những thắc mắc của lứa tuổi học sinh. Chuyên đề phim giáo dục “Tháo gỡ chuyện khó đỡ” của thầy Hiếu đã chạm đến mối băn khoăn, lo lắng thầm kín của tuổi teen về tình yêu, tình bạn, tình dục…

 Ẩn chứa nhiều cạm bẫy

Với một sản phẩm được tung ra trên internet, nhiều khán giả nhận định rằng: “Internet đang là nơi khẳng định cho những đạo diễn và diễn viên trẻ tiềm năng”. Tuy vậy, có nhiều sản phẩm của một số nhóm làm phim khác khá thô tục, quảng cáo trò chơi trực tuyến thô thiển thậm chí gây ra nhiều phản ứng tiêu cực đối với khán giả như phim sitcom “Căn hộ số 69” do Nam Cito Creative thực hiện là một ví dụ.

Mới phát hành trên YouTube hơn 10 ngày nhưng bộ phim sitcom được cho là đầu tiên của Việt Nam gắn mác “18+” này đã có 1 triệu lượt người xem và không ít người xem đã phải lo ngại vì sự thô, nhảm và phản cảm mà nó đem lại. Tập 1 chỉ 20 phút nhưng nhà sản xuất đã lộ rõ ý định câu view bằng cách cố tình miêu tả câu chuyện về những người trẻ hiện đại với đầy rẫy da thịt và ngôn từ khiêu khích, dung tục.

Để phục vụ mưu đồ ấy của mình, các nhân vật trong phim có những diễn xuất không những phi logic mà còn vô cùng ngô nghê, ngớ ngẩn khó chấp nhận. Cả nam chính và nữ chính đều có những pha “sờ soạng”, những cảnh nude rất phản cảm, dung tục. Yếu tố tình dục và giới tính trong phim không chỉ được đề cập quá thẳng thắn mà còn được cài cắm lộ liễu trong những cảnh quay chẳng mấy liên quan như nằm dài trên ghế khoe body và đặc biệt là những động tác ăn chuối...

Không chỉ dừng lại ở đó, ở phần hậu cảnh, bộ phim còn khơi gợi sự tò mò của người xem với những cảnh khiêu khích thô vụng và thậm chí lên tiếng “hứa hẹn” nhiều nội dung khó chấp nhận đối với văn hóa Việt trong những tập sau.

Biện bạch cho mình, người làm phim này cho rằng họ chỉ làm ở mức gợi để các bạn tưởng tượng chứ không quá thô thiển. Thậm chí còn lớn tiếng cho rằng những clip gần đây như quảng cáo của Ngọc Trinh hay các cảnh quay trong phim “Chuông reo là bắn” còn táo bạo và hở hang hơn nhiều nhưng vẫn qua được các khâu kiểm duyệt. Thực tế chính anh ta là người hiểu rõ hơn cả là cơ quan chức năng chuyên kiểm duyệt phim là Cục Điện ảnh lại không “với” được loại hình phim này do không có chức năng giám sát, quản lý các nội dung đăng tải trên internet.
Thêm nữa với YouTube thì không kiểm duyệt nội dung một bộ phim trước khi đăng tải. Chỉ khi phim đó có nội dung xấu, hay vi phạm bản quyền mới bị gỡ bỏ. Bởi thế nhà sản xuất đã chủ tâm nhắm đến mảnh đất này để “lách” kiểm duyệt. Song những người tham gia ê kíp sản xuất phim đó hiện đang sinh sống và làm việc ngay tại Việt Nam, chẳng lẽ, họ lại không chịu bất cứ sự ràng buộc nào khi làm và tuyên truyền những sản phẩm phi văn hóa, xa lạ với người Việt?

 
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan: Chưa có quy định phân loại phim 18+


* PV: Trong tuần qua, dư luận khá xôn xao về việc lần đầu tiên xuất hiện phim sitcom “Căn hộ 69” gắn mác 18+. Chỉ trong một thời gian rất ngắn bộ phim này đã thu hút hàng ngàn lượt người xem. Theo chị, việc làm phim 18 + ở Việt Nam có được luật pháp cho phép?

TS NGÔ PHƯƠNG LAN: Các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phim phải thông qua hãng phim có tư cách pháp nhân, nghĩa là có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim do Cục Điện ảnh cấp. Phim muốn phổ biến phải được Hội đồng Thẩm định phim thẩm định và tư vấn để Cục Điện ảnh cấp giấy phép phổ biến phim. Trong quá trình thẩm định, hội đồng căn cứ vào nội dung phim để phân loại phim “Được phép phổ biến rộng rãi” hay “Cấm trẻ em dưới 16 tuổi” theo quy định tại Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ban hành quy chế thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim ngày 9-7-2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có quy định phân loại phim 18+. 

* PV: Đối với những bộ phim chưa được phép phát hành nhưng đã được quảng cáo và đẩy lên mạng như vậy có phải là hành vi in sang, nhân bản trái phép?

 TS. NGÔ PHƯƠNG LAN: Với những bộ phim chưa được cấp phép phổ biến nhưng đã phổ biến ra công chúng - trong đó có hình thức đưa lên mạng internet - là vi phạm Điều 50, 51 Luật Điện ảnh. 

*PV: Nhiều người cho rằng Cục Điện ảnh, thuộc Bộ VH-TT-DL không có chức năng giám sát, quản lý các nội dung đăng tải trên internet. Song với những nghệ sĩ điện ảnh, nhà sản xuất trong nước với chức trách là đơn vị quản lý, cục sẽ hành xử thế nào với những nghệ sĩ tham gia những bộ phim như vậy?

TS. NGÔ PHƯƠNG LAN: Như trên đã nói, đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất phim mà không có tư cách pháp nhân hoặc phát hành phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý có thẩm quyền là vi phạm quy định tại điều 49, 50, 51 Luật Điện ảnh và sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 53 Luật Điện ảnh, Điều 21 Nghị định 54/2010/NĐ-CP. Các tổ chức cá nhân vi phạm các điều cấm theo quy định tại Điều 11 Luật Điện ảnh cũng là vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý.

* PV: Ban đầu là việc quay các chương trình quảng cáo và giờ là làm phim và phát hành trên mạng nhằm hút quảng cáo và các nhà tài trợ đang là một trong những xu hướng phát triển mạnh. Theo chị, nên ứng xử như thế nào với những loại hình như vậy?

TS. NGÔ PHƯƠNG LAN: Việc thu hút quảng cáo và các nhà tài trợ khi phát hành phim là một xu hướng của kinh tế thị trường và được áp dụng rộng rãi, điều này mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất, phát hành và các nhà tài trợ. Chỉ cần việc quảng cáo và sản xuất, phát hành phim tuân thủ đúng quy định của pháp luật về điện ảnh, quảng cáo và truyền thông thì cục luôn ủng hộ.

* PV: Cảm ơn chị!


Theo SGGP
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất