Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 4/12/2011 15:36'(GMT+7)

Kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông

Tình trạng nhức nhối kéo dài

Theo số liệu thống kê, ở nước ta bình quân mỗi năm có gần 12 nghìn người chết và gần 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra. Ðó thật sự là thách thức và là nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn đối với an sinh và trật tự xã hội. Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Thân Văn Thanh đánh giá: Nguyên nhân khiến tình trạng nhức nhối này còn kéo dài là do nhận thức của các cấp, các ngành về công tác bảo đảm trật tự ATGT chưa đúng tầm; thiếu sự phối hợp, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mới đạt yêu cầu về diện rộng, thiếu chiều sâu, nặng về hình thức, theo kiểu phong trào, không phù hợp đặc điểm từng đối tượng nên hiệu quả rất hạn chế. Ðặc biệt, công tác giáo dục ATGT cho học sinh các cấp còn yếu, chưa đạt kết quả như mong đợi.

Ðó là chưa kể việc cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa tương xứng với mức độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như tốc độ gia tăng phương tiện; tình trạng tham gia giao thông hỗn hợp trên đường bộ vẫn phổ biến. Một điều khá nguy hiểm là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông rất kém, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa chú tâm đúng mức về các điều kiện bảo đảm ATGT và việc quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe, dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về trật tự ATGT xảy ra khá phổ biến như đi không đúng phần đường, làn đường; chạy quá tốc độ, chở quá tải cho phép; không đội mũ bảo hiểm; sử dụng rượu, bia,... Ðây là những nguyên nhân chính gây TNGT và là nguy cơ làm gia tăng TNGT.

Trong nhiều năm, những hạn chế về quy hoạch và quản lý đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông chỉ chiếm khoảng 6 đến 7% diện tích đất đô thị; các khu đô thị phát triển ồ ạt dẫn đến ùn tắc giao thông khi đưa vào khai thác. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từng bước di dời các trường đào tạo, bệnh viện, trụ sở cơ quan hành chính ra khỏi trung tâm, tuy nhiên trong thực tế, một số cơ sở vẫn tiếp tục được mở rộng trong phạm vi trung tâm. Tổ chức giao thông trên nhiều tuyến đường bộ trong đô thị chưa khoa học, chủ yếu là giao thông hỗn hợp; các nút giao trên các trục tuyến hướng tâm gây xung đột dòng phương tiện lưu thông. Tại hai đô thị lớn này, chưa có giải pháp cấm mô-tô và xe gắn máy lưu thông trên một số tuyến đường trong khoảng thời gian phù hợp.

Những giải pháp cấp bách, lâu dài

Trước tiên, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự ATGT, có chế tài mạnh, đủ tính răn đe và khả thi để pháp luật được thực thi nghiêm minh trong cuộc sống. Kiên quyết xử lý và áp dụng biện pháp mạnh như tịch thu phương tiên tham gia đua xe trái phép, xử phạt mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT. Chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải phải hài hòa, phù hợp phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục kịp thời những "điểm đen" về TNGT, khôi phục hoạt động của một số trạm kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Việc bảo đảm trật tự ATGT cần tiến hành thường xuyên, liên tục, tránh làm theo "phong trào"; tăng cường chế tài xử phạt vi phạm hành chính, nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm,... Ðồng thời, quy định trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo, nhân viên và người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Tại các thành phố lớn, quy hoạch các khu đô thị phải đáp ứng quỹ đất dành cho giao thông; thực hiện di dời trụ sở các cơ quan hành chính, trường đào tạo khỏi trung tâm; xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ trong nội thành và các đường vành đai. Bộ GTVT đề nghị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện quyết liệt việc lập lại trật tự, kỷ cương đường phố, giải phóng vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện, ra quân triển khai ngay trong tháng 12 này; huy động tổng lực của chính quyền, đoàn thể cơ sở với lực lượng chức năng, xử lý tất cả các hành vi vi phạm. Bố trí lệch giờ làm việc, học tập trong ngày giữa các đối tượng học sinh, cán bộ, người kinh doanh; tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp cơ sở hạ tầng giao thông đô thị; tổ chức phân làn giao thông một chiều, phân tách làn phương tiện, bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt, giảm xung đột tại một số nút giao thông chính bằng việc xây dựng các cầu vượt lắp ghép, cấm xe ta-xi, ô-tô cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố. Ðồng thời, phát triển mạnh vận tải hành khách công cộng, tăng tần suất lượt xe buýt giờ cao điểm, bổ sung phương tiện, tăng số tuyến đến các vùng ngoại thành.

Bộ GTVT cần phát huy vai trò quản lý ngành, đề xuất phân bổ nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và trình Chính phủ đề án thu phí lưu hành phương tiện cơ giới đường bộ trong quý I-2012. Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù ưu đãi đầu tư phát triển xe buýt và buýt đường thủy nội địa, xây dựng các loại phí, lệ phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông. Tại TP Hồ Chí Minh, cần nghiên cứu thí điểm hoạt động vận tải khách công cộng bằng đường thủy theo hình thức buýt thủy nội địa, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo dư luận xã hội ủng hộ các biện pháp hạn chế TNGT và chống ùn tắc giao thông, biểu dương điển hình người tốt, việc tốt, đồng thời phê phán nghiêm khắc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất