Thứ Ba, 17/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 28/4/2009 21:54'(GMT+7)

Kiểm soát chất lượng công trình xây dựng: Tập trung khắc phục yếu kém về thể chế

Tuy nhiên, sự yếu kém trong thể chế cần được tập trung khắc phục trước tiên, từ sự chồng chéo văn bản pháp quy đến tính thiếu thực thi ở một số cơ chế, chính sách.

“Công trình xây dựng là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, tiền đề quan trọng phục vụ sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế và luôn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Vì vậy, bài toán chất lượng tác động trực tiếp và rất quan trọng đến sự phát triển bền vững, hiệu quả kinh tế, đời sống con người", Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Đây cũng là nội dung xuyên suốt mà hầu hết các tham luận, ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB) đề cập tại Hội thảo, từ lĩnh vực quy hoạch, tư vấn, lập dự án, đấu thầu, thi công, giám sát đến công tác nghiệm thu công trình.

Những bất cập về thể chế

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng các công trình xây dựng ở mọi quy mô ngày một tăng với bình quân hàng năm có khoảng 6.000 dự án được triển khai, trong đó tỷ lệ các dự án nhóm A khoảng 5%, nhóm B hơn 20% và nhóm C chiếm 75%. Đánh giá tổng quát về chất lượng, Bộ Xây dựng khẳng định, 90% công trình đạt kết quả khá trở lên, chỉ từ 0,28-0,56% số lượng công trình gặp sự cố, ý thức các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng về chất lượng công trình cũng được nâng cao trong bài toán bảo đảm hiệu quả đầu tư cũng như đảm bảo uy tín, thương hiệu và sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số sự cố lớn về chất lượng công trình như sự cố hai nhịp neo cầu Cần Thơ, sạt lở mỏ đá Thủy điện Bản Vẽ, vỡ đập chính mùa lũ hồ chứa nước Cửa Đạt, nứt bê tông các đốt hầm Thủ Thiêm,… cũng như một số vụ việc liên quan đến chất lượng các công trình nhà ở, sụt trượt trên quốc lộ, xuống cấp ở một số công trình văn hóa, hạ tầng đô thị,… vẫn đặt ra cho các nhà quản lý yêu cầu tiếp tục giải đáp bài toán bảo đảm chất lượng XDCB.

Theo ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – cơ quan Thường trực của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, những sự cố, tồn tại trong chất lượng công trình thường xảy ra trong giai đoạn thi công và những thể chế, chính sách trong khâu này chính là những nội dung cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn nữa.

“Một số quy định về quản lý còn rườm rà, tạo nên những thủ tục hành chính không cần thiết, trong đầu tư XDCB, ông Hùng nhận xét.

Chung quan điểm, ý kiến của ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN cho rằng thể chế, đặc biệt là một số chính sách về chất lượng XDCB là chưa đầy đủ như quy định đảm bảo chất lượng trong Luật đấu thầu, chưa cân đối yếu tố chất lượng và giá dự thầu, quy định về tranh chất chất lượng, kiểm định, giám định chất lượng,…

Các tham luận từ các chuyên gia đề cập tới kết quả giám sát chất lượng thực tế ở các công trình xây dựng tiêu biểu như cầu Thanh Trì, đường Hồ Chí Minh, cầu Bãi Cháy,… cũng nêu ra những bài học về sự bất cập các cơ chế liên quan đến công tác thiết kế, vai trò trách nhiệm của cơ quan thẩm tra công trình đến cả lĩnh vực giải phóng mặt bằng,…

Hội thảo thu hút nhiều ý kiến chuyên gia trong các lĩnh vực XDCB

Thay đổi bắt đầu từ công tác quản lý và các chính sách khuyến khích

Đề cập tới các kiến nghị, giải pháp để nâng cao chất lượng công trình, các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất, cải cách công tác quản lý là yêu cầu quan trọng và có tính quyết định. Tiếp theo, Nhà nước cần tạo những chính sách có tính khuyến khích cho các chủ thể nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

“Về cơ bản, với cơ chế hiện nay các cơ quan hữu trách có đủ điều kiện để tổ chức, thực hiện quản lý hiệu quả chất lượng xây dựng. Vấn đề còn lại là sự phân định trách nhiệm của các chủ thể và chế tài xử lý thích hợp. Đây chính là điểm yếu, bộc lộ sự lỏng lẻo, dẫn đến sai phạm về trình tự, thủ tục trong khâu lập dự án, thiết kế, sai phạm về chất lượng trong đấu thầu, bảo hành bảo trì”, ông Trần Ngọc Hùng đánh giá.

Nâng cao nguồn nhân lực cũng là vấn đề được nhiều ý kiến kiến nghị khi thực trạng cho thấy công tác đào tạo cán bộ quản lý dự án, chủ đầu tư chưa được coi trọng, nhiều chủ đầu tư, Ban quản lý dự án làm trái ngành, trái nghề, không đủ trình độ năng lực và kiến thức quản lý.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được yêu cầu tăng cường, thiết lập hệ thống mạng lưới kiểm định chất lượng đầy đủ ở các cấp, đặc biệt là chế độ bắt buộc kiểm tra đối với công trình sử dụng vốn NSNN.

Theo Vụ Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng, cần hoàn thiện quy định về điều kiện năng lực chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, ban hành các quy định cụ thể về năng lực của tổ chức này để được cấp giấy phép kinh doanh phù hợp với từng cấp công trình.

Nhiều ý kiến kiến nghị cần nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tổ chức thực hiện và có chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, tăng kinh phí đào tạo cán bộ, công nhân lành nghề, thành lập các tổ chức tư vấn quản lý điều hành dự án, tư vấn giám sát chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến, vật liệu xây dựng mới nhằm nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình./.

(chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất