Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 18/12/2009 21:12'(GMT+7)

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh còn nhiều khó khăn

Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, ông Dương Quốc Trọng, cho biết, thành tựu lớn nhất của ngành dân số trong 10 năm qua là đã đạt được mức giảm sinh từ 1,36% (năm 2000) xuống còn 1,2% (năm 2009). Đây là thời kỳ có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Đạt tỉ lệ giảm sinh sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, tích cực phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành phố, tỷ suất sinh vẫn khá chênh lệch do di dân. Ví dụ: Tại TP Hồ Chí Minh, tỉ suất sinh tăng 0,3%; Bình Dương tăng 0,7%, trong khi tỉ suất sinh ở Nam Định giảm 0,3%...
 
Mặc dù đã đạt được mức giảm sinh nhưng ngành dân số vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, ngành dân số sẽ tập trung ưu tiên mục tiêu nâng cao chất lượng dân số bằng cách tăng cường truyền thông và đưa dịch vụ đến gần người dân. 

Theo kết quả Tổng điều tra dân số 2009, nước ta đã đạt tổng tỷ xuất sinh thay thế (một phụ nữ sinh trung bình đạt 2,08 con). Từ nay cho đến khi ổn định quy mô dân số, công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình đối mặt với 2 khả năng. Mức sinh sẽ tăng do buông lỏng trong công tác dân số. Người Việt Nam thích đông con nên tiếp tục sinh con thứ 3, thứ 4 hoặc một bộ phận dân cư có tiềm lực kinh tế sẽ sinh nhiều con hoặc là mức sinh hạ liên tục xuống dưới mức sinh thay thế do đô thị hóa và kinh tế phát triển giống các nước Châu Âu hoặc Hàn Quốc đang trải qua.
 
Nâng cao chất lượng dân số là định hướng chiến lược chủ đạo về công tác dân số giai đoạn từ năm 2011-2020. Định hướng này sẽ diễn ra trong thời gian dài và còn nhiều khó khăn, thách thức khi vấn đề dân số đi từ quy mô số lượng sang chất lượng.
 
Giữ vững cam kết là điều kiện đầu tiên và tiên quyết để đảm bảo cho chương trình dân số, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình thành công. Trong các văn bản chính sách và thực tế cho thấy, ở đâu có sự cam kết của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và chính quyền cơ sở, ở đó công tác này đạt kết quả bền vững. 

Theo kết quả điều tra, tỉ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các BPTT tăng 71,8% năm 1998 lên 79,5% năm 2008. Tỉ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 36,7% xuống còn 15%. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tuổi thọ người dân không ngừng được nâng cao, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện. Chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) đã đạt mức 0,73 điểm, vượt mục tiêu của Chiến lược Dân số giai đoạn 2001 - 2010 đã đề ra.

 Minh Hải - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất